Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chiều 22/5, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 đã thảo luận, góp ý về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã góp ý nội dung của dự thảo luật.

Theo Đại biểu Thông, tại khoản 2 Điều 64 quy định: “… lái xe liên tục không quá 4 giờ”, vậy trường hợp dừng xe vào đổ xăng, dừng uống nước (không đủ thời gian dừng nghỉ theo quy định) thì có được gọi là lái xe liên tục không? Để tạo thuận lợi cho việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn, tôi đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích cụm từ “lái xe liên tục”. Đồng thời, đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ “giao thông đường bộ” để các cơ quan chức năng có căn cứ chặt chẽ áp dụng pháp luật do trên thực tế một số vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến đường nội bộ trong khu công nghiệp, khu dân cư, doanh nghiệp mà cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ rõ ràng để xác định vụ việc là tai nạn giao thông hay tai nạn nghề nghiệp. Đồng thời việc bổ sung giải thích từ ngữ như trên nhằm làm căn cứ xác định, thực hiện quy định tại khoản 10 Điều 3: “Tai nạn giao thông đường bộ (sau đây gọi là tai nạn giao thông) là va chạm liên quan đến người, phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, xảy ra bất ngờ, ngoài ý muốn của người tham gia giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản”.

Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận góp ý

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10), đề nghị bổ sung vào khoản 20 Điều 10 về hành vi làm rơi vãi, xả thải các loại hóa chất, chất thải nguy hại trên đường bộ, gây hư hại, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và sự an toàn của người tham gia giao thông, cụ thể như sau: “Đặt, để chướng ngại vật, vật cản khác trái phép trên đường bộ; rải vật sắc nhọn; đổ chất gây trơn trượt trên đường bộ; làm rơi vãi đất đá, hàng hóa, vật liệu, phế thải xây dựng, hóa chất, chất thải nguy hại trên đường bộ”.

Về dừng, đỗ xe (Điều 19), khoản 5 và khoản 6 quy định chưa cụ thể và gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện, Ví dụ khoản 5 quy định: “trên đường bộ, người điều khiển phương tiện chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy”, vậy lề đường bao nhiêu mét được xem là lề đường rộng… Do đó, Tôi đề nghị sửa đổi khoản 5 và khoản 6 Điều 19 theo hướng gộp hai khoản này lại thành một điểm đưa vào quy định tại khoản 4 Điều 19 với nội dung: “Nơi có biển báo cấm dừng, đỗ xe” (trên đường bộ và đường phố nếu không có biển cấm thì được dừng, đỗ như quy định hiện hành).

Về phân loại phương tiện giao thông đường bộ Điều 35 đã quy định rất cụ thể về phân loại phương tiện giao thông đường bộ (ngoại trừ khoản 6). Tuy nhiên, tại khoản 7 dự thảo Luật vẫn tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về phân loại phương tiện giao thông đường bộ. Việc giao như vậy có cần thiết không? Theo ông Thông, trường hợp giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về phân loại phương tiện giao thông đường bộ như dự thảo Luật, thì nội dung Điều 35 chỉ nên quy định những tiêu chí, nguyên tắc chung cho việc phân loại, còn chi tiết về phân loại phương tiện giao thông đường bộ sẽ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định, như vậy, vừa đảm bảo tính ổn định cho Luật, vừa đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn cụ thể...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-binh-thuan-gop-y-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-119084.html