Độ đèn xe, chế tài mạnh tay nhiều chủ xe vẫn bất chấp

Theo Nghị định 100/2019, từ 1-1-2020, tất cả các trường hợp lái xe ô tô lắp hoặc độ thêm đèn chiếu sáng phía trước, phát sáng bên ngoài xe đều bị xử phạt với mức 1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ một đến ba tháng. Tuy nhiên, tại một số trung tâm đăng kiểm, không ít lái xe vẫn mắc lỗi độ đèn và bị từ chối đăng kiểm.

Ánh sáng phản cảm

Đến Trung tâm đăng kiểm 2903V, quận Cầu Giấy, Hà Nội từ sáng sớm, tưởng xe sẽ được làm thủ tục đăng kiểm nhanh nhưng cuối cùng anh Trần Văn Bốn vẫn phải cho xe ra về vì bị trung tâm từ chối đăng kiểm. Lý do, chiếc Hyundai i10 mua năm 2015 của anh độ thêm hai bóng đèn xenon sáng trắng không đúng với thiết kế ban đầu của xe. Buổi tối, khi xe bật đèn, ánh sáng trắng tỏa rộng gây chói mắt cho các xe ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Anh Bốn than thở, để lắp được đôi bóng đèn này anh phải mang xe ra một gara chuyên độ đèn nằm trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, mất gần nửa buổi chiều cho thợ tháo lắp. Do chỉ lắp bóng, không kèm thêm gương cầu nên ánh sáng bị phát tán rộng gây chói mắt cho các xe đi ngược chiều nhưng khi ngồi trong xe anh thấy tầm quan sát chẳng hơn bóng halogen cũ là bao. Hôm nào, đi đường đồi có sương thì tầm nhìn rất ngắn.

Muốn gia đình có thêm thu nhập, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tiến, trú tại Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội quyết định vay mượn thêm anh em thân quen mua chiếc xe Toyota Vios chạy dịch vụ chở khách. Do được người quen giới thiệu mối thân thiết, chỉ việc đưa, đón khách vào hai ngày cuối tuần cho cung đường Hà Nội- Lào Cai và ngược lại nên vợ chồng anh vui lắm. Vì chạy tuyến cao tốc về đêm nên anh liên tục bị ánh sáng trắng, vàng độ thêm từ đèn led của những chiếc xe tải, xe khách chạy ngược chiều hắt thẳng vào mắt gây khó chịu. Để tăng thêm tầm quan sát, đồng thời muốn chế ngự ánh đèn led của các xe đối diện, anh lên mạng mày mò tìm vào trang bán đèn led phù hợp với dòng xe của mình.

Cuối cùng, anh quyết định mua thanh đèn led có chiều dài 60cm, gắn ngay dưới biển số phía trước của xe. Chưa kịp tận hưởng ánh sáng xuyên màn đêm của đèn như lời quảng cáo của người bán thì anh đã phải “ăn biên bản” phạt của chốt CSGT ngay sát trạm thu phí ở vị trí đầu tuyến đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai. Lý do, xe vi phạm Nghị định 100/2019 vì độ thêm đèn.

Việc độ, lắp thêm đèn xe vừa vi phạm các quy định của pháp luật, vừa gây nguy cơ tai nạn cho xe, ảnh hưởng tới cộng đồng. Ảnh tư liệu

Độ đèn và nguy cơ “lợn lành thành lợn què”

Để đối phó với Nghị định 100/2019, nhiều chủ cửa hàng chuyên độ đèn xe trấn an khách hàng, rằng Nghị định mới chỉ xử phạt khi lắp thêm đèn “phía trước, sau, trên nóc, dưới gầm” nhưng không đề cập tới việc thay thế đèn pha, cụ thể là thay đổi bóng đèn. Từ đó, chủ xe hãy yên tâm khi bỏ ra khoản tiền từ 3 triệu đến 15 triệu để lắp thêm bộ đèn bi-xenon hoặc bi-led, vừa có ánh sáng sang, đẹp, hiệu quả, vừa không bị cơ quan chức năng xử phạt.

Theo luật sư Nguyễn Tuyết Mai, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nói rõ, tại điểm a, khoản 3, Điều 16 xử phạt từ 800.000 đến một triệu đồng đối với hành vi: “Điều khiển xe lắp hoặc độ thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe”. Bên cạnh số tiền bị xử phạt thì người điều khiển phương tiện còn bị tước giấy phép lái xe từ một đến ba tháng.

Thực tế, việc xử phạt tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có những thay đổi mở rộng hơn so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước kia. Cụ thể, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 16, hành vi “điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe” sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Như vậy, lái xe chỉ bị phạt khi lắp thêm đèn phía sau, còn lắp led bar, đèn sương mù, đèn trợ sáng công suất lớn phía trước đều không bị phạt gây bức xúc dư luận.

Vì vậy, tại điểm a, khoản 3, Điều 16 Nghị định 100/2019 ngoài việc phạt tiền thì điểm b, khoản 7, Điều 16 buộc tài xế phải thực hiện khắc phục hậu quả, tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định.

Việc một số chủ xe muốn lắp thêm bóng đèn tăng sáng, thậm chí đầu tư cả bộ đèn bi-xenon hoặc bi-led ngốn kha khá tiền cũng vẫn bị phạt, thậm chí bị trung tâm đăng kiểm từ chối làm thủ tục đăng kiểm. Luật sư Nguyễn Văn Túy, Văn phòng luật Hoàng Hưng phân tích, tại khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ, nghiêm cấm các hành vi lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới. Do đó, việc lắp đặt hay sử dụng đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới là hành vi vi phạm Luật Giao thông.

Năm 2018, nhận ra tình trạng nguy hiểm từ những chiếc xe độ, chế, lắp thêm đèn led, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công văn gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các đơn vị liên quan như CSGT, thanh tra giao thông đề nghị tăng cường xử lý hành vi sử dụng đèn led sai quy định. Sau đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các trung tâm đăng kiểm từ chối kiểm định các xe có lắp thêm đèn chiếu sáng không đúng thiết kế của nhà sản xuất. Đến nay, lệnh từ chối kiểm định như trên vẫn có hiệu lực.

Tới một cửa hàng được quảng cáo chuyên độ đèn cho các loại xe trên địa bàn quận Thanh Xuân, chúng tôi ngỏ ý muốn nâng cấp đèn cho chiếc xe Ford Everest sản xuất năm 2009 chỉ có đèn halogen nguyên bản, ánh sáng rất tệ. Chủ của hàng cùng một nhân viên giúp việc nhiệt tình quảng cáo nhiều gói nâng cấp, đơn giản nhất là thay đèn halogen tăng sáng. Còn muốn ánh sáng tốt nên lắp nguyên bộ bi-xenon được tháo nguyên bản từ đèn của dòng xe Audi Q7.

Giờ đang sở hữu một “em” 7 chỗ mới cứng, anh Phạm Viết Linh nhớ lại, năm 2015, anh bị ngốn không ít thời gian, tiền của để nâng cấp đèn pha cho Hyundai Getz 2009. Lắp được bộ bóng bi-xenon một thời gian thì dây đèn bị chập, cháy khét lẹt, cũng may anh kịp thời phát hiện. Nếu không phải là người có kinh nghiệm, chủ xe rất dễ rơi vào ma trận quảng cáo về các gói nâng cấp đèn. Nhiều chủ cửa hàng còn cho khách tham quan kho đèn của mình rồi nhấn mạnh, đây là những loại đèn được tháo ra từ những chiếc xe sang như Audi, BMV... bị tai nạn trong nước và nước ngoài.

Thực tế thì lấy đâu ra mà nhiều đèn tháo xe như thế, nếu không hiểu biết rất dễ mua phải đèn nhái có nguồn gốc không rõ ràng. Đương nhiên, khi lắp những loại đèn kém chất lượng cộng với tay nghề không tốt của thợ, xe luôn có nguy cơ cháy nổ. Đó là chưa kể đến có thể bị trung tâm đăng kiểm từ chối và bị CSGT phạt bất cứ lúc nào.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/do-den-xe-che-tai-manh-tay-nhieu-chu-xe-van-bat-chap-202296.html