Đinh Ngọc Hệ từ chối luật sư chỉ định, tự bào chữa tại phiên tòa
Ngày 20/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng Công ty Cửu Long, thuộc Bộ GTVT), Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.
Phiên tòa phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của 4 bị cáo: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Diệt (Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình), Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh), Phạm Tấn Hoàng (Phó trưởng phòng Kế toán, Công ty Yên Khánh). Ngoài ra, còn có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Yên Khánh.
Trong phần làm thủ tục phiên tòa, các luật sư của bị cáo Hệ và Hoan vắng mặt. Để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã chỉ định luật sư bào chữa. Tuy nhiên, hai bị cáo Hệ và Hoan không đồng ý.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục xét xử vụ án. Theo Hội đồng xét xử, các luật sư bào chữa cho hai bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận là lỗi của các luật sư; luật sư đã từ bỏ quyền bào chữa của mình đối với các bị cáo. Các bị cáo từ chối luật sư chỉ định là đã tự từ bỏ quyền của mình nên phải tự bào chữa tại phiên tòa hôm nay. Đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì quá trình xét xử, Hội đồng xét xử sẽ trích những lời khai trong hồ sơ vụ án.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng thông báo các quy định để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình xét xử như đảm bảo số người tham dự không quá 30 người, người tham dự phải đảm bảo khoảng cách. Đáng chú ý, đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, Hội đồng xét xử cho phép ngồi ở phòng khác và chỉ tham gia phiên tòa khi có yêu cầu của Hội đồng xét xử.
Trước đó, ngày 22/12, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm, tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân. Tòa tuyên buộc bị cáo Hệ phải bồi thường toàn bộ số tiền hơn 725 tỷ đồng đã chiếm đoạt qua hành vi gian dối trong thu phí dự án TP Hồ Chí Minh-Trung Lương và hơn 3,4 tỷ đồng trục lợi từ việc mua rẻ căn biệt thự của Công ty Cổ phần Licogi 13.
Theo nội dung vụ án, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy số tiền thu được từ việc bán quyền thu phí cao tốc là tài sản của Nhà nước. Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng Đề án bán quyền thu phí, thực hiện việc chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước kinh phí đã đầu tư cho dự án.
Bị cáo Đinh La Thăng đã ký văn bản số 7331/BGTVT-TC gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp nhận lại Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương và tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí, thu hồi nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho Dự án. Để triển khai tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, ngày 3/10/2013, bị cáo Đinh La Thăng ký Quyết định số 3050/QĐ-BGTVT về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá và Tổ thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá. Khi triển khai thực hiện, bị cáo Đinh La Thăng (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) đã gọi điện thoại trực tiếp cho bị cáo Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) để giới thiệu đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.
Từ đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng mối quan hệ này để xây dựng hồ sơ gian dối tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, bị cáo Đinh Ngọc Hệ tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây hậu quả thất thoát của Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ với mục đích chiếm đoạt tài sản, đã có hành vi gian dối, chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực, báo cáo tài chính của Công ty Yên Khánh và Khánh An (đều do Đinh Ngọc Hệ thành lập và điều hành) từ kinh doanh thua lỗ thành kinh doanh có lãi để đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Ngay sau khi tiến hành khai thác, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo nhân viên bằng mọi cách che giấu doanh thu thực tế để chiếm đoạt. Lúc đầu bằng hình thức thủ công nhưng sau đó Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo dùng công nghệ cao để chiếm đoạt được nhiều hơn. Hệ đã 2 lần yêu cầu mua phần mềm của Công ty Xuân Phi để can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ Giao thông vận tải với mức độ ngày càng tinh vi, số tiền chiếm đoạt lớn.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ đã không nộp tiền theo đúng tiến độ quy định theo Hợp đồng mua quyền thu phí là đến tháng 10/2014 Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ phải nộp đủ số tiền hơn 2.004 tỷ đồng, nhưng phải đến tháng 3/2017 mới nộp đủ tiền. Bằng các thủ đoạn gian dối, từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2018, Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm đã che giấu, chiếm đoạt được hơn 725 tỷ đồng.
Tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, theo hình thức Hợp đồng BOT, Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn (là Công ty có 51% vốn Nhà nước) và việc Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì có phần vốn góp chi phối của Công ty Thái Sơn (40%) và Công ty Yên Khánh (40%), dùng ảnh hưởng từ các cổ đông để tác động đến những người có chức vụ, quyền hạn tại Công ty Cổ phần BOT Việt Trì cho Công ty Cổ phần Licogi 13 được thi công hai hạng mục trong gói thầu XL.01-3. Đổi lại, Công ty Cổ phần Licogi 13 phải hạ giá bán căn biệt thự BT01 cho Đinh Ngọc Hệ, qua đó Hệ đã trục lợi số tiền 3,4 tỷ đồng.
Phiên tòa dự kiến xét xử tới ngày 25/5. Đây là lần thứ ba phiên tòa được mở sau 2 lần hoãn.