Định hướng công tác dân số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2030

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Do tính quan trọng của công tác dân số, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.

Nghị quyết 21 nêu rõ quan điểm: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (với mục tiêu chủ yếu là giảm sinh) sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Năm 2021 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể các cấp và toàn dân, công tác dân số tỉnh Tiền Giang đã đạt được một số mục tiêu quan trọng.

Sinh con ở tuổi vị thành niên giảm từ 510 trường hợp (năm 2015) còn 171 trường hợp (năm 2021). Tỷ số giới tính khi sinh đạt 107,83 bé trai/100 bé gái sinh ra sống… Các mục tiêu làm tốt, đã hoặc sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu vào năm 2030, đó là: Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh phát hiện và xử trí sớm các dị dạng, dị tật, bất thường trong thời kỳ mang thai và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số từ đầu đời; giảm tình trạng mất cân bằng giới tình khi sinh; chiều cao trung bình nam, nữ 18 tuổi được cải thiện; tuổi thọ trung bình đạt trên 75 tuổi.

Bên cạch đó, vẫn có một số mục tiêu cần phấn đấu thực hiện trong những năm tiếp theo, đó là: Mức sinh dưới mức sinh thay thế (hiện nay 1,82 con); nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn còn ít; tình trạng tảo hôn giảm chưa nhiều; người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng… còn hạn chế do nhân lực y tế tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19.

Tiền Giang nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).

Tiền Giang nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).

Có được kết quả quan trọng như trên là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và toàn dân; trong đó có các nghị quyết để đầu tư cho công tác dân số và phát triển của HĐND tỉnh Tiền Giang, như: Nghị quyết 34 quy định chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện đình sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 17 quy định kinh phí hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 18 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện mục tiêu y tế - dân số của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 26 quy định mức hỗ trợ cộng tác viên dân số và chính sách khen thưởng tập thể, cá nhân trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Các kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang, như: Kế hoạch 219 về thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch 343 về Chương trình truyền thông về dân số tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; Kế hoạch 356 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; Công căn 6308 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tỉnh Tiền Giang năm 2021 - 2030; kế hoạch thực hiện tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển trên địa bàn Tiền Giang…

ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, từ năm 2022 đến năm 2030, Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện mục tiêu chung, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Tận dụng hiệu quả “cơ cấu dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số; nâng chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Các chỉ tiêu quan trọng đến năm năm 2030, bao gồm: Duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại. Giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn (so với năm 2019). Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn so với năm 2019.

Tuổi thọ bình quân ≥ 76 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 69 năm. Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030. Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/1 lần đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030...

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp như thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh về các chương trình, dự án, kế hoạch... theo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về công tác dân số. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số các cấp

.BSCK2 NGUYỄN THÀNH SANG
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202112/dinh-huong-cong-tac-dan-so-tinh-tien-giang-giai-doan-2022-2030-941400/