Đình - đền - chùa Cầu Muối: Kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa

Huyện Phú Bình không chỉ nổi tiếng là vựa lúa của tỉnh Thái Nguyên mà còn được biết đến với nhiều lễ hội truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, trong đó nổi bật là Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối.

Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái.

Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối tọa lạc tại trung tâm xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình). Theo sử sách ghi chép lại, đình, đền, chùa Cầu Muối được xây dựng vào khoảng 300 năm trước, dưới thời Hậu Lê. Cụm di tích nằm thế tựa sơn, bao quanh là rừng xanh tươi tốt, tạo nên nét cổ kính, linh thiêng.

Nằm ở khu vực trung tâm của Cụm di tích là đình Cầu Muối. Đình là nơi thờ Thành Hoàng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một danh tướng thời nhà Lý. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đình để thờ cúng và tôn ông là Thành Hoàng làng.

Trong quần thể của Cụm di tích còn có chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh và đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong đó, đền Công Đồng tương truyền là nơi rất linh ứng và thiêng liêng. Tục truyền rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng, suy tôn là mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ, đề cao giá trị hạnh phúc, tự do và độc lập.

Không chỉ có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối còn là một di tích cách mạng quan trọng, đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, đình, chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương.

Ngoài ra, Cụm di tích còn là nơi cất giấu lương thực của huyện Phú Bình vào năm 1951; nơi đóng quân của Đại đoàn 308 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Sư đoàn 304 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Quang cảnh Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối. Ảnh: Nguyên Ngọc

Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối là điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Phú Bình nói riêng vào dịp đầu Xuân.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét, đặc trưng, Cụm di tich Đình - đền - chùa Cầu Muối đã trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, du lịch tâm linh nổi tiếng. Hàng năm, dân làng Cầu Muối và đông đảo du khách thập phương về đây thắp hương nhằm tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh, Thành Hoàng làng; đồng thời ước nguyện năm mới mạnh khỏe, bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là tập tục từ xa xưa của người Việt. Tín ngưỡng dân gian này đã được bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm nay tại đình - đền - chùa Cầu Muối vào mỗi dịp đầu Xuân, năm mới. Khi đến nơi đây, mỗi người dân đều đặt gói muối, gói gạo lên mâm lễ để dâng các vị thần linh nhằm cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn, sức khỏe, cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Quản lý Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối, cho biết: Vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, UBND huyện tổ chức Lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của cụm di tích. Trong ngày này, Ban Quản lý sẽ thực hiện nghi lễ rước kiệu, dâng hương, thỉnh chuông cầu an, cầu lộc. Trong mâm lễ, ngoài lễ chay và lễ mặn thì không thể thiếu muối và gạo. Đây chính là nét đẹp văn hóa, nét đặc trưng của lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối từ xưa đến nay.

Cùng với bảo tồn những giá trị văn hóa tín ngưỡng, thời gian qua, các cấp chính quyền luôn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là thanh, thiếu niên, nhi đồng về bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa Đình - đền - chùa Cầu Muối.

Học sinh Trường THCS Tân Thành (Phú Bình) đến tham quan, tìm hiểu thông tin về văn hóa, lịch sử tại Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành, xã Tân Thành, chia sẻ: Ban Giám hiệu luôn yêu cầu các thầy cô, đặc biệt là giáo viên bộ môn Lịch sử quan tâm đưa hoạt động tìm hiểu thông tin về Cụm di tích này vào bài học Lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, hàng năm, Liên đội Nhà trường cũng tổ chức cho đội viên tham quan trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử, trong đó có Cụm di tích Cầu Muối.

Đi liền với công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền huyện Phú Bình cũng quan tâm đầu tư, tôn tạo Cụm di tích để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Ban Quản lý Di tích đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông đến Khu di tích, quán bán hàng phục vụ lễ hội và các công trình khác.

Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, các giá trị văn hóa, lịch sử của Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng vào dịp đầu Xuân, thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, chiếm bái, hòa mình vào không khí linh thiêng, cổ kính và in đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202401/dinh-den-chua-cau-muoi-ket-tinh-gia-tri-lich-su-van-hoa-3b2127f/