'Điều trị bệnh nhân bạch hầu đầu tiên gặp nhiều khó khăn'

Toàn bộ y bác sĩ khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, phải uống thuốc phòng bệnh bạch hầu khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên ở địa phương này.

Ngày 7/7, Đắk Lắk xuất hiện ca mắc bạch hầu đầu tiên tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, ngành y tế tỉnh này đã cách ly toàn bộ khu vực trên để theo dõi. 708 người được tiêm phòng bạch hầu, toàn bộ khu vực này phải khử khuẩn. Chính quyền địa phương đã lập 3 chốt tại 3 tuyến đường ra, vào buôn Diêo.

Đây là ca nhiễm đầu tiên tại Đắk Lắk nhưng trước đó Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã điều trị 6 ca nhiễm từ Đắk Nông chuyển đến. Cơ sở y tế này cũng là nơi tiếp nhận các bệnh nhân đầu tiên mắc bạch hầu.

Cả khoa uống thuốc để phòng bệnh

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), cho biết Đắk Lắk mới ghi nhận một trường hợp nhiễm bạch hầu. Tuy nhiên, địa phương là nơi điều trị ca nhiễm bạch hầu đầu tiên tại các tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 6/6, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bé N.T.L.A. (12 tuổi) với các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân này đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nhà may mắn huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

“Ca đầu tiên vào viện, lúc đó đơn vị chưa xác định được bệnh nhân này dương tính với bạch hầu. Bác sĩ khám vẫn có găng tay, khẩu trang. Nhưng chúng tôi nghi ngờ đây là ca mắc bạch hầu nên đã liên hệ ngay Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật lấy mẫu xét nghiệm trong đêm”, bác sĩ Minh nói.

Các bác sĩ khám sàng lọc cho người dân tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Ảnh: N.T.

Khi xác định bệnh nhân dương tính với bạch hầu, bác sĩ thăm khám phải lên khu cách ly để xét nghiệm. Ba ngày sau, bác sĩ được trở về nhà khi nhận kết quả âm tính.

“L. bị Down nên khi vào viện bé không hợp tác, khạc nhổ, cào cấu và chạy khắp phòng. Việc này khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý do đây là bệnh lây nhiễm. Do đó, toàn khoa phải uống thuốc và tiêm phòng, phun khử trùng phòng khám, sau 3 ngày mới dùng lại phòng này”, bác sĩ Minh nói.

Nữ trưởng khoa cho biết thêm để tránh lây nhiễm tại bệnh viện, đơn vị đã sử dụng một tầng để cách ly, không cho ai ra vào trừ bác sĩ và y tá. Để đảm bảo an toàn, các bác sĩ điều trị phải mặc đồ bảo hộ như điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đề xuất Bộ Y tế cấp thuốc đặc trị

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cho biết thêm bệnh nhân thường ở vùng sâu vùng xa, không được tiêm chủng theo đúng quy định và không quan tâm về sức khỏe. Vì vậy, các bệnh nhân đến viện khi đã khởi phát 5-6 ngày. Do địa phương chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các bác sĩ vẫn chẩn đoán, điều trị theo triệu chứng.

“Sau hơn nửa tháng điều trị các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm bạch hầu đã khỏe và được xuất viện. Hiện khoa còn một trường hợp nghi nhiễm được theo dõi”, bác sĩ Minh nói.

Các tuyến đường vào buôn Diêo bị phong tỏa để phòng bệnh. Ảnh: T.A.

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, ngành y tế đã tăng cường giám sát dịch không chỉ ở những xã có ca bệnh mà đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao.

Theo ông, đây là những “vùng lõm” trong tiêm chủng, những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, khó vận động tiêm chủng.

Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng phương án tổ chức phân luồng, sàng lọc khám các trường hợp có triệu chứng viêm họng cấp; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị.

Ngoài ra, Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã có báo cáo gửi Bộ Y tế đề xuất cấp thuốc đặc trị cho địa phương để ứng phó với bệnh bạch hầu.

Tỉnh nào được tiêm vaccine bạch hầu miễn phí cho trẻ 7 tuổi?

Theo đại diện Văn phòng Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, chương trình tiêm miễn phí vaccine bạch hầu cho trẻ 7 tuổi đang được áp dụng tại 35 tỉnh.

Trong đó, miền Bắc có 10 tỉnh, thành (Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên). Miền Trung có 7 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận; Tây Nguyên 4 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, ĐắK Nông, Đắk Lắk). Miền Nam có 14 tỉnh, thành (TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long).

Các địa phương này được lựa chọn dựa trên tiêu chí có ổ dịch bạch hầu hoặc ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu, uốn ván sơ sinh trong các năm gần đây từ 2016-2019. Trước đó, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại 30 tỉnh, thành phố nguy cơ cao. Gần 700.000 trẻ 7 tuổi được tiêm chủng.

Ngày 25/5, Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai vaccine Td cho trẻ 7 tuổi tại vùng nguy cơ năm 2020 tại 35 tỉnh, thành phố, trong đó 30 tỉnh đã triển khai năm 2019 sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2020 và mở rộng thêm 5 tỉnh, thành phố.

"Việc triển khai tiêm vaccine Td miễn phí cho trẻ 7 tuổi trong tiêm chủng mở rộng sẽ là biện pháp chủ động phòng bệnh và phòng dịch hiệu quả", đại diện Văn phòng Tiêm chủng Mở rộng khẳng định.

Tây Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-tri-benh-nhan-bach-hau-dau-tien-gap-nhieu-kho-khan-post1104534.html