Diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại trụ sở Công an TPHCM
Sáng 15/11, Công an TPHCM (CATP) tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 tại tòa nhà D, trụ sở CATP, với sự tham gia của hàng trăm CBCS, phương tiện, thiết bị chữa cháy hiện đại.
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP chủ trì buổi diễn tập. Cùng dự có các đồng chí trong BGĐ CATP; lãnh đạo, chỉ huy các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Để đảm bảo công tác phòng, chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ trong trụ sở làm việc của Công an TPHCM, thời gian qua CATP đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức buổi diễn tập nhằm nâng cao ý thức về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), kiểm tra khả năng ứng phó, xử lý tình huống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và các lực lượng liên quan. Qua đó, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho CBCS CATP và đánh giá hiệu quả của các hệ thống PCCC đã được trang bị tại tòa nhà.
Tòa nhà D là trụ sở làm việc và nơi lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ của lực lượng Công an Thành phố, tọa lạc trong khuôn viên Công an TPHCM, là nơi làm việc của CBCS các phòng nghiệp vụ trực thuộc CATP. Tòa nhà D được thiết kế hệ thống PCCC (bao gồm hệ thống chữa cháy vách tường, chữa cháy tự động, hệ thống báo cháy) kết nối với trung tâm báo cháy, trạm bơm chữa cháy và bể nước chữa cháy trong khuôn viên trụ sở CATP.
Phương án diễn tập công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được BGĐ CATP giao Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai trên tinh thần bám sát các sự cố thực tế thường diễn ra trong thời gian trở lại đây như: do yếu tố quá tải điện, môi trường (nắng, mưa), thiên nhiên dẫn đến hình thành nguyên nhân, điều kiện gây cháy...
Để buổi diễn tập được thực hiện đúng trọng tâm, đúng kế hoạch và định hướng, Trung tướng Lê Hồng Nam yêu cầu CBCS, các đơn vị tham gia diễn tập phải đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ trong việc chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ trên xuống, thống nhất hoàn thiện cơ chế điều hành, chỉ huy trong suốt thời gian diễn tập. Việc huy động lực lượng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo và kịp thời; các lực lượng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian diễn ra diễn tập, mọi hoạt động từ triển khai hướng dẫn thoát nạn, di chuyển nạn nhân, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, công tác đảm bảo an ninh trật tự,.. phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia.
Sau cùng, phải đánh giá được hiệu quả "Bốn tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong việc xử lý tình huống cháy, nổ; mọi hoạt động chữa cháy trước tiên phải được tổ chức thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ, triển khai công tác cứu người, di chuyển nạn nhân ra vị trí an toàn; phát huy tối đa công suất hoạt động của các hệ thống chữa cháy được trang bị tại cơ sở.
Tình huống giả định diễn ra trong một ngày có mưa dông, một tia sét đột ngột đánh trúng tòa nhà. Tại thời điểm này, hệ thống tiếp địa chống sét của tòa nhà đang dừng hoạt động để bảo trì (hở mạch nối đất) nên không có tác dụng bảo vệ chống sét. Do đó, gây cháy hệ thống điện tủ điện chính tại tầng 1 và gây cháy lan theo các hộp gen kỹ thuật lên các tầng trên của tòa nhà D. Sự cố làm cháy lan hết khu vực văn phòng tầng 1 có khả năng cháy lan lên các tầng trên của tòa nhà.
Sự cố làm nhiều người có mặt bên trong tòa nhà hoảng loạn và nhanh chóng hô hoán cùng thoát khỏi tòa nhà. Khói, khí độc từ các vật liệu tổng hợp đang cháy đã nhanh chóng lan tỏa khắp tòa nhà làm ảnh hưởng và gây ngạt thở đối với CBCS làm việc bên trong tòa nhà đang tìm đường nhanh nhất thoát qua thang bộ rời khỏi tòa nhà.
Ngay lập tức, Đội PCCC cơ sở tòa nhà và CBCS đã nhanh chóng theo nhiệm vụ đã được phân công của Đội PCCC tòa nhà D tiến hành thực hiện các nhiệm vụ gồm: báo động cháy, kích hoạt hệ thống tăng áp buồng thang và hệ thống chữa cháy vách tường, hướng dẫn thoát nạn và tổ chức di chuyển các hồ sơ, thiết bị nghiệp vụ văn phòng để ngăn chặn cháy lan và tổ chức chữa cháy ban đầu.
Nhận thấy tình hình sự cố cháy vượt quá khả năng xử lý của lực lượng tại chỗ, lực lượng chữa cháy tại chỗ báo cháy về Trung tâm thông tin chỉ huy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, đề nghị huy động lực lượng, phương tiện đến hiện trường để tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã kịp thời nhận được tin báo, nhanh chóng theo phương án xử lý tình huống cháy và CNCH đối với tòa nhà Văn phòng CATP.
Các lực lượng phương tiện của các đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và CAQ1 theo lệnh điều động nhanh chóng có mặt tại hiện trường thực hiện nhiệm vụ theo chiến thuật chữa CC&CNCH dưới sự điều hành của ban Chỉ huy CC&CNCH tại hiện trường.
Chỉ đạo của Giám đốc Công an TPHCM về công tác PCCC&CNCH đối với các đơn vị làm việc trong và ngoài trụ sở CATP
Sau buổi diễn tập, Trung tướng Lê Hồng Nam biểu dương những nỗ lực của các CBCS trong nhiều ngày qua đã tích cực chuẩn bị chu đáo từ con người đến trang thiết bị, phương tiện để phục vụ cho cuộc diễn tập năm 2024 tại tòa nhà D, trụ sở CATP, đồng thời yêu cầu:
Đối với các đơn vị ở trụ sở CATP:
1. Thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC&CNCH tại khu vực thuộc phạm vi quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH tại khu vực làm việc thuộc phạm vi phụ trách.
Thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại doanh trại, trụ sở làm việc được giao quản lý nhằm kịp thời phát hiện thiếu sót, vi phạm và xử lý triệt để, không để phát sinh những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ. Chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện tại chỗ, tổ chức bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, phân công đầy đủ lực lượng để khi xảy ra các sự cố về cháy, nổ thì triển khai xử lý kịp thời, hiệu quả.
2. Thường xuyên quán triệt đến toàn thể CBCS tự rà soát, kiểm tra và tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC&CNCH tại khu vực làm việc được giao quản lý, nhất là việc bố trí, sắp xếp tài liệu, đồ đạc, việc sử dụng hệ thống điện, các thiết bị điện,... để không hình thành những nguy cơ, điều kiện gây cháy.
3. Giao Phòng Hậu cần phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp PCCC và CNCH tại trụ sở CATP, các kho phục vụ công tác của CATP.
Đối với các đơn vị làm việc ngoài trụ sở CATP:
Tổ chức thực hiện nghiêm những nội dung tương tự như các đơn vị tại trụ sở CATP và lưu ý một số nội dung sau:
1. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại khu vực làm việc thuộc phạm vi phụ trách (đảm bảo ít nhất mỗi quý/01 lần) để kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, biện pháp ngăn chặn cháy lan từ ngoài vào; có các biện pháp ngăn ngừa các đối tượng, người dân vứt tàn thuốc, vật dẫn cháy vào gây cháy. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho CBCS nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng ngừa ngay tại chỗ.
2. Quán triệt đến CBCS được phân công nhiệm vụ tại kho chứa tang vật, vật chứng thực hiện nghiêm các quy định điều kiện an toàn PCCC&CNCH tại các kho, các biện pháp phòng ngừa trong quá trình xử lý nhiên liệu, hệ thống điện động cơ (bình ắc quy, pin,..) của các phương tiện vi phạm trước khi đưa vào kho quản lý.