Điện mặt trời mái nhà: Thu mua giá nào là phù hợp?

Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng dư vào hệ thống quốc gia thì chỉ ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán. Liệu quy định này có phù hợp với Việt Nam khi nhu cầu điện ngày càng tăng cao?.

Một trong những thông tin đang được dư luận quan tâm đó là dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Dự thảo Nghị định cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư thừa của điện mặt trời vào hệ thống điện. Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng dư vào hệ thống quốc gia thì chỉ ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán. Liệu quy định này có phù hợp với Việt Nam khi nhu cầu điện ngày tăng cao?. Bà Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam nêu quan điểm.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng điện mặt trời khi có số giờ nắng trung bình từ 2.500 – 3.000 giờ/năm.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng điện mặt trời khi có số giờ nắng trung bình từ 2.500 – 3.000 giờ/năm.

"Tôi thấy nếu như điện mặt trời áp mái mà lắp đặt trên quy mô của các nhà xưởng công nghiệp thì việc bán lên lưới với giá 0 đồng thì không phải là vấn đề lớn. Bởi vì, khi người ta đã sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo với đúng mục tiêu sản xuất xanh rồi thì đó mới là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Và nếu như có dư ra một chút nào đó để bán lại lên lưới với giá 0 đồng thì tôi cho rằng đó như là sự đóng góp chung vào cộng đồng.

Nhưng, tất nhiên đây sẽ lại là mối quan tâm của những hệ thống điện mặt trời áp mái ở quy mô nhỏ hoặc quy mô hộ gia đình. Bởi vì hiệu suất người ta sử dụng không cao trong khi đầu tư lại khá lớn. Vậy thì người ta kỳ vọng với việc bán và sẽ thu lại được thêm một phần để bù đắp cho đầu tư ban đầu. Đây là sự khác biệt giữa các quy mô của điện mặt trời áp mái".

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng điện mặt trời khi có số giờ nắng trung bình từ 2.500 – 3.000 giờ/năm. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, điện mặt trời áp mái là nguồn điện phân tán nên không nhất thiết cần phải truyền tải đi xa, lợi thế hơn rất nhiều so với các nguồn tập trung do công tác truyền tải sẽ tốn chi phí hơn.

"Lợi ích của nó là rất lớn, nhưng phải thừa nhận nó cũng có vấn đề, bởi với điện mặt trời thì chúng ta không kiểm soát được về sản lượng, lúc nào tăng lúc nào giảm. Do đó rất khó cho công tác điều độ cũng như lưới điện sẽ phải chịu sự biến đổi đấy. Vào thời điểm nếu như nguồn điện tái tạo quá lớn, thậm chí tổng công suất của điện tái tạo vào thời điểm cao nhất vượt quá nhu cầu cũng như khả năng chịu tải của lưới điện thì rõ ràng lúc đó không ai muốn mua nữa, thậm chí phải chặn không cho phát lên lưới.

Ở đây cần sự cân bằng. Tôi nghĩ giá cũng sẽ phản ánh vấn đề đó. Tức là nếu trong trường hợp lợi ích lớn hơn so với chi phí thì việc khuyến khích bằng mức giá dương là cũng phù hợp, nhưng mà nếu chi phí và tác động tiêu cực của nó lớn hơn tích cực thì 0 đồng, thậm chí có cả giá âm cho những trường hợp như vậy. Tôi nghĩ giá sẽ biến đổi theo việc cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc phát triển điện mặt trời mái nhà".

Hiện nay, câu chuyện bán với mức giá nào cần phải có sự linh hoạt và làm sao phải mang tính khuyến khích nhiều hơn đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng. Đặc biệt, việc phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán, tiêu thụ tại chỗ là hết sức quan trọng. Điều này vừa bảo đảm được an ninh năng lượng, vừa tăng tính cạnh tranh cho các ngành sản xuất của Việt Nam trong xu thế chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/dien-mat-troi-mai-nha-thu-mua-gia-nao-la-phu-hop-102240513101111289.htm