Diễn đàn cuối tuần: Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Cần chế tài mạnh để tránh vi phạm

Thời gian qua, lợi dụng lòng tin của người hâm mộ, nhiều nghệ sĩ quảng cáo thiếu trung thực, không rõ ràng về các sản phẩm như: mỹ phẩm, thuốc, sữa, thực phẩm chức năng...

Nghệ sĩ C.T. quảng cáo sản phẩm sữa non có tác dụng thần kỳ trên mạng xã hội

Trước tình trạng này, Bộ VH-TTDL phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng quy trình xử lý các nghệ sĩ vi phạm, lập “danh sách đen” nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên. Vấn đề này đang được dư luận quan tâm.

* Lạm dụng lòng tin của người hâm mộ

Chỉ cần mở YouTube, Facebook hay TikTok, người sử dụng mạng xã hội (MXH) dễ bắt gặp hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo từ kem trắng da đến thuốc giảm cân, từ sữa đến thực phẩm chức năng, từ hút mỡ bụng đến “thần dược” hỗ trợ sinh lý… Nhiều người vì tin tưởng và hâm mộ nghệ sĩ mà mua sản phẩm về sử dụng, nhưng kết quả không như quảng cáo.

Chiếm sóng dày đặc nhất trên MXH thời gian qua phải kể đến những livestream quảng cáo sản phẩm sữa non D. của 2 nghệ sĩ: C.T và Q.L. 2 nghệ sĩ đã mạnh miệng tuyên bố: “Uống sữa non D. sẽ không còn lo tiểu nhiều, tiểu đêm; ngăn đường huyết cao chót vót và cả các biến chứng nguy hiểm phải cắt chân, suy thận, mù mắt, đột quỵ...”.

Trong những buổi livestream, nghệ sĩ C.T. còn mạnh dạn khẳng định đã tận mắt chứng kiến nhiều người bị bệnh đái tháo đường phải tháo ngón chân, cổ chân lên đến khớp háng để cứu mạng sống. Để không bị biến chứng, người bệnh cứ uống 10 ngày dứt điểm tiểu đêm, 20 ngày hết tê bì chân tay, 40 ngày đường huyết về dưới “6 chấm” và đặc biệt sử dụng kiên trì sau 2 tháng hoàn toàn không lo biến chứng tiểu đường, cũng không lo phải uống thuốc tây hoặc tiêm insulin liên tục…

Bà Nguyễn Thị Hoạt (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bị bệnh đái tháo đường đã hơn 10 năm cho biết: “Có bệnh thì vái tứ phương. Nghe nghệ sĩ C.T quảng cáo sữa non D. được nhập từ Australia, uống vào không chỉ khống chế được bệnh đái tháo đường mà còn giúp bồi bổ cơ thể nên tôi mua về dùng”.

“Một lần đọc báo, tôi được biết, sữa này chỉ là sản phẩm dinh dưỡng do một công ty tư nhân ở Hà Nội sản xuất chứ không phải là “thần dược” trị bệnh đái tháo đường. Tôi cảm thấy mình như bị lừa nên từ đó không mua nữa” - bà Hoạt cho biết.

Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60-80 triệu đồng. Nếu tái phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối và bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong trường hợp áp dụng hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, bị cấm hành nghề từ 1-5 năm.

Ông Trần Thiện Hòa (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng rất khó chịu với những nội dung quảng cáo thổi phồng quá mức công dụng của thực phẩm chức năng vốn chất lượng không như quảng cáo. “Đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp chế tài để hạn chế tình trạng quảng cáo lố này” - ông Hòa kiến nghị.

Sau khi sinh 2 con, chị Nguyễn Tường Linh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) tăng cân nhanh và vòng eo đã lên tới 90cm. Thấy nhiều nghệ sĩ quảng cáo chỉ sau liệu trình 60 phút, sẽ lấy đi 95% mỡ bụng để trả lại vòng eo con kiến, chị Linh xiêu lòng định làm dịch vụ này nhưng chưa kịp làm thì quảng cáo này đã bị “bóc phốt”. Cơ quan chức năng xác định, người quảng cáo dịch vụ là 2 người khác nhau (một người béo bụng và một người có bụng phẳng lì). Hình ảnh hiệu quả giảm cân là do sử dụng công cụ chỉnh sửa.

* Vào “danh sách đen”, nghệ sĩ hết đường quảng cáo

Thực tế, trước đây, Bộ VH-TTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người tham gia hoạt động nghệ thuật. Cụ thể, Điều 19, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.

Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo năm 2012 còn có những cơ chế, chế tài, quy định kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Đồng thời, quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể quy trình xử lý người nối tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật, do đó các chế tài xử lý vi phạm trước đây chưa đủ sức răn đe.

Để chấn chỉnh hoạt động này, Bộ VH-TTDL đang phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng quy trình xử lý các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trong đó sẽ lập “danh sách đen” nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, đồng thời Bộ VH-TTDL cũng xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi… nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng nghệ sĩ quảng cáo bát nháo trên MXH. Theo đó, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, một quy trình đang được xây dựng, các nghệ sĩ vi phạm luật sẽ bị liệt vào “danh sách đen”. Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, đưa nghệ sĩ vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo vào “danh sách đen” rất nên làm. Khi nghệ sĩ vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng hình ảnh trên các đài phát thanh, truyền hình và môi trường mạng. Một khi bị “cấm” lên sóng, nghệ sĩ sẽ bị hạn chế môi trường hoạt động, đi cùng là giảm sút về danh tiếng cũng như quyền lợi.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, hiện nay hoạt động của văn nghệ sĩ được quy định cụ thể trong quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ban hành kèm Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13-12-2021 của Bộ VH-TTDL.

Tại khoản 3, Điều 7 của quy tắc này quy định, nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức. Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 9 quyết định này cũng nêu rõ: “Nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường”.

Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, thực tế thời gian qua, có hiện tượng nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng, uy tín trên MXH thực hiện quảng cáo sản phẩm vượt quá tính năng và công dụng được cấp phép. Họ là những người có ảnh hưởng lớn đến định hướng sản phẩm của người tiêu dùng, vì vậy cần phải có những chế tài pháp lý chặt chẽ để quản lý, nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202310/dien-dan-cuoi-tuan-nghe-si-quang-cao-sai-su-that-can-che-tai-manh-de-tranh-vi-pham-960151f/