Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 28/5: Thế giới thêm 11.000 người tử vong; Ca mắc mới tại Ấn Độ dưới 200.000
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 512.000 ca bệnh COVID-19 và trên 11.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 169,5 triệu ca, trong đó trên 3,52 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (179.770 ca), Brazil (66.722 ca) và Argentina (41.083 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.558 ca), Brazil (2.051 ca) và Mỹ (589 ca).
Như vậy, số ca mắc và tử vong mới vì COVID-19 ở Ấn Độ vẫn cao nhất thế giới dù đã có xu hướng giảm.
Với 179.770 ca mắc mới trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở Ấn Độ đã lần thứ hai ở dưới mức 200.000 ca. Trước đó, ngày 25/5, quốc gia Nam Á này ghi nhận 196.427 ca mắc mới trong vòng 24 giờ.
Tới nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 27,5 triệu ca mắc, trong đó 318.821 ca tử vong vì COVID-19.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới với gần 34 triệu ca mắc và 606.765 ca tử vong.
Chuyên gia Nhật Bản cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tổ chức Olympic
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Nhật Bản cảnh báo nguy cơ lây nhiễm có thể sẽ gia tăng từ các sự kiện liên quan tới Olympic và Paralympic Tokyo.
Phát biểu tại một phiên họp của Hạ viện ngày 27/5, trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về việc ứng phó với dịch COVID-19, ông Shigeru Omi, nhấn mạnh so với các sự kiện thể thao khác, Olympic và Paralympic có quy mô lớn hơn nhiều và sự quan tâm của công chúng đối đối với 2 sự kiện này cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Omi, xuất hiện nhiều quan ngại về việc có thể đảm bảo tất cả những người tham gia Olympic Tokyo tuân thủ hoàn toàn các quy định phòng chống dịch bệnh hay không. Vì vậy, ông nhấn mạnh tầm quan trọng phải tiến hành các biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn các nguy cơ như vậy.
Trong khi đó, một nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) mới đây kêu gọi duy trì cảnh giác với đại dịch COVID-19 cho dù số ca nhiễm mới ở nước này đang có xu hướng giảm.
Nhóm chuyên gia trên nhận định số ca nhiễm mới trên toàn Nhật Bản đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 5 này, nhưng vẫn tiếp tục tăng ở một số khu vực như Hokkaido ở miền Bắc và Okinawa ở miền Nam. Đáng chú ý, theo nhóm chuyên gia, do biến thể Anh đã gần như biến đổi hoàn toàn so với virus gốc nên tốc độ lây lan dịch bệnh có thể sẽ nhanh hơn và vì vậy, thời gian để dịch bệnh lắng dịu sẽ kéo dài hơn.
Ngày 27/5, Nhật Bản ghi nhận thêm 4.536 ca nhiễm mới và 105 ca tử vong vì COVID-19.
Số ca nhiễm mới tại Malaysia tiếp tục tăng lên mức cao nhất
Malaysia ngày 27/5 thông báo ghi nhận thêm 7.857 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này tăng lên những mức cao nhất từ trước tới nay.
Tính đến nay, tổng cộng đã có 541.224 ca mắc COVID-19 tại Malaysia.
Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất từ đầu dịch
Ngày 27/5, cơ quan y tế Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ đầu dịch với 47 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận mức cao mới ở thời điểm đó là 41 ca tử vong.
Bên cạnh đó, Thái Lan có thêm 3.323 ca nhiễm mới, trong đó 1.219 ca ở các nhà tù. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 141.217 ca nhiễm, trong đó có 920 ca tử vong. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ đã đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân ở những khu vực có nguy cơ, những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh nền. Thái Lan đã có hơn 3 triệu người được chủng ngừa COVID-19, trong đó có khoảng 2 triệu người tiêm mũi đầu tiên và khoảng 1 triệu người tiêm mũi thứ hai.
Australia phong tỏa bang Victoria để ngăn chặn cụm dịch mới
Ngày 27/5, chính quyền bang Victoria của Australia công bố lệnh phong tỏa toàn bang trong vòng một tuần nhằm ngăn chặn một cụm dịch mới bùng phát ở phía bắc thành phố Melbourne.
Quyết định phong tỏa được đưa ra sau khi các cơ quan y tế bang ghi nhận 11 ca mắc mới trong cộng đồng trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 26 ca. Các cơ quan chức năng hiện đã xác định được 10.000 người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp, cũng như hơn 100 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm.
Quyền Thủ hiến bang James Merlino thông báo từ nửa đêm 27/5 đến hết ngày 3/6, tất cả người dân bang Victoria chỉ được phép ra khỏi nhà trong 5 trường hợp.
Ông Merlino cho biết chính quyền buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trên toàn bang do tốc độ lây lan biến thể virus B.1.617 gây ra đợt bùng phát dịch lần này. Chính quyền địa phương cũng kêu gọi người dân khẩn trương đi tiêm vaccine COVID-19.
Tổng thống Nga vận động người dân tiêm vaccine
Ngày 27/5, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi người dân Nga tiêm vaccine ngừa COVID-19, song cũng nhấn mạnh việc tiêm chủng là dựa trên tinh thần tự nguyện.
Phát biểu trong cuộc họp chính phủ, Tổng thống Putin hối thúc người dân Nga gạt bỏ mọi hoài nghi hiện có về vaccine ngừa COVID-19, đồng thời khẳng định các vaccine do Nga sản xuất là "đáng tin cậy và an toàn nhất" trên thế giới. Ông nêu rõ: "Điều quan trọng nhất là sức khỏe. Xin hãy nghĩ về điều đó".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga phản đối việc đưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trở thành quy định bắt buộc. Theo ông, bản thân người dân cần nhận thức được sự cần thiết của việc tiêm chủng, theo đó giúp ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng hơn, thậm chí là tử vong khi mắc COVID-19.
Số ca mắc mới tại Pháp ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020
Ngày 26/5, số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Pháp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái và số người phải nhập viện điều trị vì dịch bệnh này cũng tiếp tục giảm.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn số liệu thống kê chính thức cho thấy tính trung bình trong bảy ngày qua, số ca nhiễm mới hằng ngày tại Pháp đã giảm xuống dưới 10.000 ca và giảm so với mức cao nhất ghi nhận giữa tháng 4 năm nay (trên 42.000 ca).
Theo thống kê, trong 24 giờ qua, với 13.933 ca nhiễm mới, tổng số ca mắc COVID-19 ở Pháp đã tăng lên 5,63 triệu ca. Con số này đã giảm đáng kể so với mốc 19.000 ca/ngày hồi tuần trước, cũng như so với mốc 31.000 ca/ngày cách đây 4 tuần.
Số ca COVID-19 phải điều trị tại khu vực chăm sóc đặc biệt cũng đã giảm 117 ca xuống còn 3.330 ca. Bên cạnh đó, tổng số bệnh nhân còn dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm 837 người xuống còn 18.593 bệnh nhân. Cả hai số liệu này đều có đang có xu hướng giảm ổn định kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
PAHO cảnh báo dịch bệnh nghiêm trọng tại Mỹ Latinh
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo về mức độ gia tăng đáng lo ngại của các ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 trong những tuần gần đây ở Mỹ Latinh, đồng thời khuyến cáo các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục tuân thủ quyết liệt các biện pháp chống dịch.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết trong tuần vừa qua, Mỹ Latinh đã ghi nhận thêm khoảng 1,2 triệu trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 31.000 ca tử vong. Bà nhận định những số liệu này cho thấy các ca bệnh và tử vong do COVID-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục duy trì ở mức cao đáng báo động.
Theo quan chức PAHO, bất chấp tình trạng lây lan của dịch bệnh, người dân và chính quyền tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh không còn tuân thủ chặt chẽ các biện pháp y tế công cộng chống dịch COVID-19.
Tính đến ngày 21/5, Mỹ Latinh đã ghi nhận mốc 1 triệu ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 3,4 triệu ca trên toàn cầu kể từ khi dịch bệnh này bùng phát. Tuy nhiên, bà Etienne cảnh báo số ca tử vong trên thực tế tại Mỹ Latinh có thể còn cao hơn. Người đứng đầu PAHO nhấn mạnh những tác động xã hội và kinh tế mà đại dịch đã gây ra đối với phụ nữ Mỹ Latinh, đặc biệt trong vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
Chile cấp giấy phép đi lại cho người đã hoàn tất tiêm chủng
Chile chính thức triển khai việc cấp và sử dụng giấy phép đi lại đối với những người đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Giấy phép đi lại trên được cơ quan chức năng Chile cấp cho tất cả những ai đã hoàn tất đủ 14 ngày sau khi tiêm mũi vaccine thứ 2. Những người có giấy phép này sẽ được đi lại tự do trong thành phố, kể cả trong thời gian áp đặt lệnh cách ly xã hội, để thực hiện các hoạt động như đi siêu thị, mua thuốc men hay tập thể dục tại các địa điểm công cộng. Ngoài ra, họ cũng được phép di chuyển tới các địa phương không nằm trong diện cách ly xã hội.
Việc triển khai loại giấy phép này được thực hiện vào thời điểm Chile đã hoàn tất việc tiêm chủng cả hai liều cho hơn 7,7 triệu người, tương đương với hơn 50% dân số trên 18 tuổi. Mặc dù vậy, một số tổ chức y tế ở Chile đã lên tiếng chỉ trích biện pháp này trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng và các dịch vụ y tế đang có nguy cơ quá tải.
Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho rằng đây là một biện pháp phù hợp, giúp những người đã được tiêm phòng có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt cá nhân và gia đình. Mặc dù vậy, giấy phép này sẽ không có hiệu lực trong thời gian giới nghiêm từ 22h đến 5h sáng hôm sau cũng như thực hiện các hoạt động tụ tập đông người. Ngoài ra, những người có giấy phép vẫn bắt buộc phải tuân thủ việc sử dụng khẩu trang nơi công cộng.
Đến thời điểm hiện tại, Chile đã ghi nhận trên 1,35 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 28.809 trường hợp tử vong.