Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 10/5: Thế giới có trên 76.000 ca mắc và trên 3.500 ca tử vong trong 24 giờ qua
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 10/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 4.085.642 ca mắc COVID-19, trong đó 279.511 ca tử vong. Mỹ, Nga vẫn có số ca mắc mới cao, còn Hàn Quốc đang phải thắt chặt biện pháp phòng dịch một lần nữa.
Tính tới 6 giờ sáng 10/5 (giờ Việt Nam), dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch vẫn nghiêm trọng ở Mỹ và Nga, trong khi có xu hướng giảm hoặc ổn định ở những nước khác.
Trừ Mỹ và Nga, các nước đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 dưới 4.000 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại Mỹ trong 24 giờ qua cao nhất, với 1.311 ca. Tiếp đó là Anh với 346 ca. Các nước còn lại chỉ có thêm trên dưới 100 ca tử vong.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nước cần sẵn sàng xác định nhanh các ca mắc COVID-19 nếu dịch tái bùng phát trong khi mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó. Chuyên gia dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO cho biết một số nước đang dần nối lại các hoạt động sản xuất, kinh tế sau khi chứng tỏ khả năng khống chế thành công dịch COVID-19, đồng thời cho rằng các nước khác nên học theo mô hình này.
Những nước đang có xu hướng mở cửa trở lại kinh tế bao gồm nhiều nước châu Á, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã dần dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội “một cách có kiểm soát”. Trong khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nhiều nước đang cải thiện các hệ thống, tăng cường năng lực xét nghiệm và theo dõi để phát hiện các ca nhiễm mới. Bên cạnh đó, một số nước cũng nỗ lực đảm bảo số lượng giường bệnh để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19. Theo bà Kerkhove, với cách làm như vậy, các nước có thể lại kiểm soát được dịch COVID-19 nếu dịch bệnh tái bùng phát.
Mỹ ghi nhận 20.938 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
Với số ca mắc mới trên, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 - đã ghi nhận tổng cộng 1.342.723 ca mắc, trong đó 79.962 ca tử vong.
Trong khi đó, Cơ quan phụ trách vấn đề sức khỏe tinh thần của Mỹ đã kêu gọi chính quyền liên bang cấp thêm ngân sách để cơ quan này có thể mở rộng các dịch vụ hỗ trợ người dân bị sang chấn tâm lý do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa và cách ly xã hội. Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi kết quả một nghiên cứu vừa công bố cho thấy số người Mỹ có thể tử vong vì tự tử và nghiện ngập ma túy, rượu... có thể lên tới 150.000 người.
Tiến sĩ Elinore McCance-Katz, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, phụ trách các vấn đề sức khỏe tinh thần và lạm dụng các chất, nhận định rằng đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại trên khắp nước Mỹ như gia tăng số vụ lạm dụng ma túy, bạo lực gia đình và bạo hành trẻ em.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và của tạp chí y khoa Lancet, việc cách ly gây ra rất nhiều hậu quả về tâm lý, nhất là trong bối cảnh cách ly để kiểm soát đại dịch COVID-19 như hiện nay chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt.
Kết quả nghiên cứu mới công bố ngày 8/5 do Well Being Trust (tạm dịch Quỹ chăm sóc sức khỏe) và Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ tiến hành, đã cân nhắc yếu tố cách ly và cả thời gian cách ly chưa thể xác định để tính toán số người có thể tử vong vì tự tử, nghiện ma túy và nghiện rượu, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao như hiện nay. Kết quả cho thấy số người tử vong vì bế tắc sẽ tăng khoảng 75.000 người. Tuy nhiên, nếu kinh tế phục hồi nhanh thì con số này là gần 28.000 người, còn nếu phục hồi chậm sẽ lên tới trên 150.000 người.
Châu Âu: Nga vẫn là điểm nóng
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga, nước này tiếp tục ghi nhận số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức cao trong 24 giờ qua, với 10.817 trường hợp tại 84 chủ thể liên bang, đưa tổng số người nhiễm bệnh lên 198.676 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất trong ngày.
Tính đến 6 giờ sáng 10/5, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Pháp đã lên tới 26.310 người (tăng 80 ca trong 24 giờ qua). Bộ Y tế Pháp cho biết 100 triệu khẩu trang sẽ sẵn sàng được cung cấp cho người dân vào ngày 11/5, cũng như 50 triệu khẩu trang sử dụng một lần dành cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Hơn 10 triệu khẩu trang sẽ được phát miễn phí cho người sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thời gian đầu sau khi dỡ bỏ phong tỏa. Những người không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng sẽ bị phạt 135 euro. Bộ Nội vụ Pháp thông báo cảnh sát tiếp tục được huy động để ngăn chặn buôn bán trái phép khẩu trang. Đến cuối tháng 4, hơn 438.000 khẩu trang đã bị thu giữ trong 363 vụ án. Cảnh sát đã phá các mạng lưới buôn bán vật tư y tế, lừa đảo và gian lận, với số tiền hơn 30 triệu euro.
Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong ngày 9/5, Italy ghi nhận 1.083 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 218.268 trường hợp. Phát biểu trước báo giới về tình hình dịch COVID-19 trong giai đoạn 2, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho biết đường cong dịch đang giảm và đây là dấu hiệu tích cực, kể cả khu vực tâm dịch Lombardy. Chỉ số lây nhiễm (RO) tại các khu vực hiện trong khoảng 0,5-0,7, đồng nghĩa với số ca lây nhiễm đang giảm. Tuy nhiên, người đứng đầu ISS khẳng định xu hướng này là tích cực nhưng không thể chủ quan, tác động của việc mở cửa trở lại, kể từ ngày 4/5, sẽ cho kết quả cụ thể trong những ngày tới.
Giới chức y tế và chính quyền địa phương đã gia tăng kêu gọi cảnh giác tại Nouvelle-Aquitaine, vùng được xếp vào nhóm ít nguy cơ, sau khi xuất hiện hai ổ dịch bệnh COVID-19. Một ổ dịch bùng phát tại tỉnh Dordogne sau một đám tang cuối tháng 4. Một ổ dịch khác được phát hiện ở tỉnh Vienne, sau cuộc họp của giáo viên và nhân viên một trường trung học cơ sở để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại vào ngày 18/5.
Còn tại Anh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Grant Shapps ngày 9/5 cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng 346 người trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên thành 31.587 người. Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày của Chính phủ Anh, Bộ trưởng Shapps cho hay lưu lượng giao thông sẽ chỉ giảm 10% so với mức trước khủng hoảng nếu biện pháp giãn cách xã hội được thực thi đầy đủ. Bộ trưởng Shapps cũng nói rằng cần nhiều người dân đi bộ và đạp xe hơn tới nơi làm việc.
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 9/5 đã xác nhận số ca tử vong do COVID-19 cũng như số ca mắc mới trong ngày đều giảm. Tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha là 26.478 người, chỉ đứng sau Mỹ, Anh và Italy. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 9/5 đã cảnh báo đại dịch COVID-19 hiện vẫn là mối đe dọa rình rập khi quốc gia Nam Âu này dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Theo thông báo của Bộ Y tế Ukraine, nước này ghi nhận 515 ca COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân mắc bệnh này lên thành 14.710 người. Trong một ngày qua, Ukraine có 15 ca mắc COVID-19 tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên thành 376.
Châu Á: Hàn Quốc bất ngờ siết chặt phòng dịch trở lại
Ngày 9/5 Thị trưởng thành phố Seoul, Hàn Quốc đã ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các quán bar, vũ trường, hộp đêm trên toàn thành phố phải tạm thời dừng mọi hoạt động trước nguy cơ bùng phát ổ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Phát biểu với báo giới cùng ngày, Thị trưởng Park Won-soon nhấn mạnh: "Mệnh lệnh hành chính này có hiệu lực ngay lập tức". Mệnh lệnh này có giá trị pháp lý cho đến khi có thông báo mới của thủ đô.
Đây là biện pháp tình huống mà thành phố Seoul phải thực hiện sau khi xuất hiện hàng chục người dương tính với virus SARS-CoV-2 do đã tiếp xúc gần với một bệnh nhân nam 29 tuổi được xác nhận ở khu phố Itaewon hồi tuần trước. Ước tính có khoảng 1.500 người thuộc diện F1 do đã có tiếp xúc gần với thanh niên này. Điều đáng chú ý là cơ quan y tế Hàn Quốc chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân 29 tuổi này do không có tiền sử đi du lịch nước ngoài và cũng chưa được xác nhận có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nào hay không.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố sáng 9/5, Hàn Quốc ghi nhận có 18 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (trong đó 17 ca có liên quan đến ổ lây nhiễm ở Itaewon) nâng tổng số ca nhiễm lên 10.840 ca.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng trên 3.300 ca trong vòng 24 giờ qua, lên thành 60.808 người. Ấn Độ ghi nhận 116 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 2.101 người.
Bộ Y tế Pakistan ngày 9/5 cho biết số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên đến 28.763 người. Theo số liệu thống kê chính thức, Pakistan có tổng cộng 636 ca tử vong do mắc COVID-19. Số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh Pakistan tuyên bố nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 9/5 tại phần lớn các khu vực của nước này.
Quan chức cấp cao Bộ Y tế Bangladesh Nasima Sultana thông báo ngày 9/5, nước này có 636 ca mắc COVID-19 và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt thành 13.770 và 214.
Tại ASEAN, tính tới hết ngày 9/5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 57.080 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó có 1.854 ca tử vong.
Về số ca mắc COVID-19, Singapore vẫn là nước có số ca mắc cao nhất Đông Nam Á với 22.469 ca. Đứng sau là Indonesia với 13.654 ca và Philippines với 10.610 ca. Nhóm có số ca mắc ở mức trung bình trong ASEAN là Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, Bruinei, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam nằm trong nhóm có số ca mắc COVID-19 thấp nhất khối (dưới 300 ca).
Về số ca tử vong, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19. Trong khi đó, Indonesia đã có 959 người chết, cao nhất trong số các nước ASEAN.
Ngày 9/5, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 533 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.645 ca. Đây mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
Hiện Thái Lan vẫn duy trì được xu hướng tăng các ca COVID-19 theo ngày ở mức 1 con số, với 4 ca mới và thêm 1 trường hợp tử vong được ghi nhận ngày 9/5. Đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.004 bệnh nhân COVID-19 và đã chữa khỏi cho 2.787 bệnh nhân COVID-19, nhưng cũng có 56 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Ngày 9/5, Philippines đã ghi nhận 147 ca nhiễm và 8 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 10.610 ca nhiễm và 704 ca tử vong. Khoảng 84% số ca nhiễm mới là ở thủ đô Manila. Tổng số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 1.842 người. Bộ Y tế Philippines khẳng định các dấu hiệu hiện nay cho thấy xu hướng nhiễm mới đang chậm lại và các bệnh viện đã không còn bị quá tải. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire khẳng định cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa kết thúc, cho rằng người dân nên thận trọng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng hoặc dỡ bỏ. Quan chức này kêu gọi người dân áp dụng các quy định vệ sinh như duy trì giãn cách xã hội, thường xuyên rửa tay để ngăn ngừa dịch bệnh.
Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore thông báo đã xác nhận thêm 753 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 22.460 ca. Đa số các ca nhiễm mới là lao động nhập cư sống tại các khu nhà tập thể. Trong số này có 9 người là cư dân thường trú của Singapore. Dù có ca mắc cao nhất Đông Nam Á nhưng tới nay, Singapore chỉ ghi nhận 20 trường hợp tử vong.
Nam Mỹ: Dịch tại Brazil nghiêm trọng nhất
Bộ Y tế Brazil thông báo nước này ghi nhận 3.209 ca mắc COVID-19 và 121 ca tử vong trong 24 giờ qua. Chính quyền bang Sao Paulo của Brazil đã quyết định kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc nhằm ngăn COVID-19 lây lan đến ngày 31/5. Theo đó, chỉ có các dịch vụ thiết yếu mới có thể tiếp tục hoạt động. Sao Paulo đang là “tâm chấn” của đại dịch COVID-19 tại Brazil. Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria tuyên bố việc kéo dài giãn cách xã hội là cần thiết cho cuộc chiến chống lại COVID-19 và việc nới lỏng các biện pháp cách ly không chỉ gây hại cho hệ thống y tế mà còn làm yếu đi khả năng phục hồi kinh tế.
Còn tại Paraguay, Tổng thống Mario Abdo đã bày tỏ quan ngại về sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 tại Brazil, đồng thời cho rằng đây là "mối đe dọa lớn" đối với nước này. Trong thông báo, Tổng thống Mario Abdo cho biết đã điều động thêm nhân lực, kể cả huy động quân đội, đến những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên tuyến biên giới với Brazil. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni tuyên bố ông cũng lo ngại về khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 từ người Paraguay trở về từ Brazil, những người chủ yếu là trong độ tuổi thanh niên và không có triệu chứng bệnh rõ ràng. Ông Mazzoleni cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tốt các khu vực biên giới.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Paraguay, hơn một nửa trong số 689 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Paraguay là những người nhập cảnh từ Brazil. Hầu hết những người mắc COVID-19 ở Paraguay bị cách ly trong các nhà tạm trú do quân đội quản lý.
Tổng thống Peru Martín Vizcarra tuyên bố sẽ gia hạn lệnh cách ly xã hội nhằm chống dịch COVID-19 cho đến ngày 24/5, do các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này vẫn gia tăng trong thời gian qua. Đây là lần thứ tư quốc gia Nam Mỹ kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc, nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ hai ở Mỹ Latinh chỉ sau Brazil. Theo các dữ liệu chính thức, Peru ghi nhận 65.015 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.814 trường hợp tử vong.