Điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng ở Vĩnh Linh

Xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh có 1.000 hộ dân với 3.216 nhân khẩu, phân bố trên 3 thôn. Trong những năm qua, bằng những cách làm hay, dân vận khéo, Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Nam đã thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, trở thành điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng của huyện Vĩnh Linh.

 Người dân xã Vĩnh Nam tự nguyện hiến đất, hiến cây, giải phóng mặt bằng để làm đường

Người dân xã Vĩnh Nam tự nguyện hiến đất, hiến cây, giải phóng mặt bằng để làm đường

Dự án LRAMP thi công xây dựng đường Vĩnh Trung - Vĩnh Nam đi qua xã Vĩnh Nam với chiều dài khoảng 3,5 km. Khi thi công công trình này, có trên 100 hộ gia đình thuộc 2 thôn Nam Phú và Nam Hùng (chủ yếu là thôn Nam Phú) có diện tích đất ở, đất canh tác và nhà cửa nằm trong diện giải tỏa mặt bằng. Theo Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Nam Thái Quyền, trước khi bắt đầu giải phóng mặt bằng để làm đường, cấp ủy, chính quyền tổ chức nhiều buổi họp dân, đối thoại nhiều cấp, lấy ý kiến của dân và tuyên truyền, vận động người dân về những mặt được, những thuận lợi khi con đường này được thi công. Từ đó, người dân hiểu và nghe theo. Kết quả là không một ai phản đối hay đòi đền bù giải tỏa cả. 100% gia đình trong 2 thôn tự nguyện hiến đất, hiến cây với tổng cộng trên 9.600 m2 đất và hàng ngàn cây ăn quả, cây công nghiệp để làm đường.

Từ năm 2009, xã Vĩnh Nam lập quy hoạch các tuyến đường liên xã rộng từ 10- 12m, đường nội thôn rộng từ 6-8m, đường ngõ xóm rộng 3-4m. Hiện nay, địa phương đã triển khai thi công mở rộng nhiều đoạn đường nội thôn và ngõ xóm. Thi công đến đâu người dân tự nguyện hiến đất, hiến cây và hiến ngày công đến đó, chứ không hề xảy ra tình trạng đòi đền bù mới chịu giải phóng mặt bằng. Có được kết quả như vậy là nhờ vào quá trình nỗ lực dân vận để người dân hiểu chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Thái Văn Lượng (63 tuổi) ở thôn Nam Hùng là một trong những hộ điển hình trong việc hiến đất, hiến cây để làm đường nông thôn mới ở Vĩnh Nam. Gia đình ông đã hiến 11 cây tiêu, khoảng 50 m2 đất ở, đất vườn và 28m hàng rào kiên cố bằng bê tông. “Năm 2015, khi có dự án làm đường Ả rập Xê út, gia đình tôi quyết định hiến đất và cây công nghiệp trong vườn để chính quyền địa phương làm đường. Sau khi nghe cán bộ, đảng viên trong thôn, xã vận động, chúng tôi hiểu ra rằng, khi có con đường này, người hưởng lợi trước tiên là người dân chúng tôi chứ không ai khác. Vì thế, người dân trong thôn ai cũng tự nguyện hiến đất, hiến cây để làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Lượng nói.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Nam Trần Trọng Chiến cho biết thêm, công tác dân vận, giải phóng mặt bằng luôn được Đảng bộ quan tâm, chú trọng và thường xuyên chỉ đạo các chi bộ, Mặt trận, các đoàn thể và ban điều hành các thôn tích cực vận động từng gia đình hiến đất, đóng góp tiền đối ứng và ngày công để vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, Đảng ủy xã chủ trương tất cả các công việc, chương trình, dự án đều phải công khai để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Vì thế, từ trước tới nay, ở xã Vĩnh Nam chưa xảy ra trường hợp nào đòi bồi thường hay khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Trên địa bàn xã có nhiều dự án, chương trình nâng cấp, mở rộng, làm mới các tuyến đường phục vụ xây dựng nông thôn mới như dự án đường Trung - Nam, người dân hiến 12.000 m2 đất; đường thôn Nam Hùng về xã Vĩnh Tú, người dân hiến 5.000 m2 đất… Mỗi khi có dự án là 100% nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây, thậm chí hiến cả ngày công. Đến nay, người dân toàn xã đã hiến hàng ngàn mét đất, hàng ngàn ngày công để làm đường, xây dựng công trình nông thôn mới.

“Đôi khi cũng có một vài gia đình thắc mắc, không đồng tình. Khi đó, vai trò dân vận của các đảng viên ở thôn phát huy tác dụng. Ngoài ra, người dân cũng tự tuyên truyền, vận động và noi gương nhau nên từ đó, việc hiến đất, hiến cây trở thành phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Nam. Nhân dân tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền và sự đồng thuận trong dân ngày càng tăng nên tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Mặt trận, các đoàn thể xã Vĩnh Nam cũng có nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhờ đó thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở Vĩnh Nam tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2017 chỉ đạt 17,9 triệu đồng/người/ năm thì đến cuối năm 2018 tăng lên 29 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm từ 20% (năm 2013) xuống còn 4,21% (năm 2018). Nhờ vậy, Vĩnh Nam về đích nông thôn mới khá sớm, từ năm 2015. Hiện nay, xã đang duy trì và nâng cao các tiêu chí để phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu”, anh Chiến cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Linh Hoàng Đức Sơn cho hay, xã Vĩnh Nam là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây làm đường, xây dựng các công trình nông thôn mới. Từ cách làm hay của Vĩnh Nam, nhiều xã khác trong huyện đã đến học tập, làm theo. Đây là điểm sáng cần nhân rộng và phát huy trong công tác dân vận giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140190