Điểm nóng xung đột ngày 12-11: Pháp lên tiếng về 'kế hoạch Ukraine' của ông Trump
Các đồng minh của Kiev chưa nên vội phán xét cách ông Donald Trump xử lý xung đột tại Ukraine - Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố ngày 11-11
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris: “Đối với những suy đoán về quan điểm hoặc sáng kiến của chính quyền tương lai của Mỹ, tôi nghĩ chúng ta tuyệt đối không nên vội đánh giá mà cần chờ thêm thời gian”.
Ông Barrot cho biết bất kỳ sáng kiến nào cũng phải đảm bảo rằng Ukraine tự xác định thời điểm và điều kiện để tham gia tiến trình đàm phán. Trong khi chờ đợi, các đồng minh phương Tây phải cung cấp cho Kiev mọi phương tiện cần thiết để đẩy lùi lực lượng Nga.
“Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy đã gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần. Tôi không nghi ngờ về khả năng một mối quan hệ bền chặt sẽ được thiết lập với chính quyền mới của Mỹ” - ông Barrot nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Pháp hôm 10-11 thông báo Paris đang gửi loạt tên lửa tầm xa mới cho Ukraine để nước này có thể tấn công vào phía sau phòng tuyến của Nga.
Cũng tại Diễn đàn Hòa bình Paris ngày 11-11, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen cho rằng đã đến lúc các đồng minh của Ukraine xem xét những phân tích của họ về Nga.
Cùng ngày 11-11, tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, cho biết Nga đang cố gắng đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi khu vực Kursk của Nga với sự tham gia của hàng chục ngàn quân nhân. Trong khi đó, cuộc tấn công của Nga ở miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, theo vị chỉ huy này, chiến dịch ở Kursk vẫn đang cản trở lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công lớn hơn ở mặt trận phía Đông Ukraine.
Bình luận của tướng Syrskyi được đưa ra một ngày sau khi tờ New York Times đưa tin Moscow đã tập hợp lực lượng gồm 50.000 quân nhân, trong đó có “binh sĩ Triều Tiên”, tới khu vực giáp biên giới Ukraine để giành quyền kiểm soát Kursk.
Tướng Syrskyi không đề cập khả năng có sự hiện diện của quân nhân Triều Tiên trong lực lượng Nga.
Nga không xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện của quân nhân Triều Tiên trên lãnh thổ mình. Tổng thống Vladimir Putin hôm 9-11 đã ký thành luật một hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow với Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm một điều khoản phòng thủ chung.