Điểm hẹn khám phá đại dương trên đất liền
Bảo tàng Hải dương học (Viện Hải dương học) tại phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong những bảo tàng biển lớn nhất Đông Nam Á - nơi lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật, bao gồm cả tiêu bản và mẫu vật sống. Với không gian trưng bày ấn tượng, bảo tàng mang đến hành trình khám phá đại dương sống động, bổ ích cho mọi lứa tuổi…

Khoảnh khắc khám phá thế giới kỳ thú của biển tại Bảo tàng Hải dương học, nơi đưa đại dương đến gần hơn với trẻ thơ.

Bảo tàng Hải dương học nằm trong khuôn viên Viện Hải dương học, có không gian trưng bày được thiết kế hiện đại, trực quan và sinh động.

Du khách tham quan tiêu bản bộ xương cá voi lưng gù dài gần 18m, nặng khoảng 10 tấn, được phát hiện tại tỉnh Nam Định (cũ) năm 1994. Đây là một trong những bộ xương cá voi lớn và hoàn chỉnh hiếm hoi được tìm thấy tại bờ biển nước ta.

Các mẫu vật quý hiếm được bảo quản nguyên vẹn trong dung dịch: Bò biển (Dugong dugon) - loài động vật biển cực kỳ nguy cấp từng xuất hiện ở vùng biển Côn Đảo; cá mú nghệ (Epinephelus lanceolatus) - loài săn mồi lớn sống ở rạn san hô; cá nhám sáu mang (Hexanchus griseus) - cá mập nguyên thủy sống ở tầng biển sâu.

Khu trưng bày sinh vật biển thân mềm giới thiệu các loài nhuyễn thể phổ biến ở Biển Đông như: trai, vẹm, sò, ốc… cùng các mẫu vật mực nang, mực ống được bảo quản nguyên dạng. Đây là nhóm sinh vật đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển và đời sống ngư dân ven biển.

Khu trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa-Trường Sa tại Bảo tàng Hải dương học giới thiệu nhiều mẫu vật quý được thu thập từ quần đảo Hoàng Sa từ những năm 1926-1953 như cá, san hô, nhuyễn thể. Các hiện vật kèm mốc thời gian, địa điểm rõ ràng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo.

Không chỉ là tư liệu khoa học quý giá, những hiện vật này còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hình ảnh tiêu bản cá sư tử (cá mao tiên-Pterois) được tạo thành từ các loài tảo biển. Loài cá độc đáo với hình dạng ấn tượng này cũng là biểu tượng của Viện Hải dương học, thể hiện tinh thần khám phá và gìn giữ đa dạng sinh học biển.

Bộ sưu tập mẫu vật trong suốt giúp quan sát rõ cấu trúc xương và hệ cơ thông qua phương pháp nhuộm màu chuyên biệt của các nhà khoa học tại Viện Hải dương học. Đây là các hiện vật quý trong nghiên cứu phân loại, giải phẫu và giảng dạy khoa học biển hiện đại.

Một em nhỏ hào hứng tham quan khu trưng bày cá mập. Hằng năm, bảo tàng đón hơn 500.000 lượt du khách cả trong và ngoài nước đến thăm.

Hệ thống bể kính hiện đại tái hiện sinh cảnh biển tự nhiên, giúp bảo tồn và trưng bày nhiều loài cá nhiệt đới đặc sắc, nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Khu vực hồ nuôi ngoài trời, nơi chăm sóc các loài sinh vật biển lớn như rùa biển… trong môi trường bán tự nhiên. Không gian này vừa để tham quan, vừa để phục vụ nghiên cứu, phục hồi sức khỏe sinh vật.

Mỗi khu trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học như một mảnh ghép sống động của đại dương bao la, khiến người xem không khỏi thán phục trước vẻ đẹp và sự kỳ diệu của biển.

Để duy trì hệ sinh thái nhân tạo đa dạng và khỏe mạnh, bảo tàng phải đầu tư nguồn tài chính lớn hằng năm cho chi phí điện, lọc nước, thức ăn và hệ thống chăm sóc. Tất cả đều do đội ngũ kỹ thuật viên và nhà sinh học biển chuyên trách vận hành.

Cá đuối đốm (Aetobatus narinari) tung vây trong bể nuôi. Để duy trì điều kiện sống lý tưởng cho những sinh vật nhạy cảm, các kỹ thuật viên phải giám sát liên tục độ mặn, nhiệt độ, độ pH và hệ vi sinh trong nước.

Không chỉ là nơi lưu giữ, giới thiệu tri thức khoa học, Bảo tàng Hải dương học còn là không gian gắn kết gia đình, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và biển cả từ những ánh mắt đầu đời.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/anh-diem-hen-kham-pha-dai-duong-tren-dat-lien-post891781.html