Dịch COVID-19: Thế giới hiện có 4.000 biến thể virus SARS-CoV-2

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 1/2/2021 - Nguồn: THX/TTXVN

* Hơn 300 triệu người Ấn Độ có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2

Ngày 3/2, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vắcxin của Anh Nadhim Zahawi cho biết trên thế giới hiện có khoảng 4.000 biến thể của virus SARS-CoV-2, buộc các hãng dược phẩm phải tìm cách cải tiến hiệu quả của vắcxin.

Phát biểu với Sky News, Bộ trưởng Zahawi cho rằng không hẳn là các vắcxin hiện tại không hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến thể virus SARS-CoV-2 trên thế giới. Tuy nhiên, tất cả các hãng dược, từ Pfizer-BioNTech, Moderna đến Oxford-AstraZeneca, đang nghiên cứu các giải pháp cải tiến vắcxin nhằm đảm bảo sẵn sàng ứng phó với bất kỳ biến thể nào.

Hàng nghìn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận là các đột biến, trong đó đáng chú ý có các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil bị cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) nêu quan ngại về việc phát hiện 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại 20 quốc gia châu Mỹ.

Phát biểu họp báo trực tuyến, người đứng đầu PAHO Carissa F. Etienne cho biết những biến thể trên đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn. Bà Etienne cảnh báo số ca mắc và tử vong do COVID-19 đang gia tăng ở Mexico, đặc biệt là ở các bang đã mở cửa đón du lịch trở lại.

Trong khi đó, ở khu vực Trung Mỹ và Caribe, số ca mắc mới COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu giảm. Ở Nam Mỹ, Colombia tiếp tục là quốc gia có số ca mắc cao nhất trong khu vực, tiếp đến là Brazil. Trong tuần qua, hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn châu Mỹ, trong đó hơn 47.000 ca tử vong.

Trước tình hình này, bà Etienne kêu gọi các chính phủ hành động quyết liệt hơn để kiểm soát đại dịch đồng thời ưu tiên tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế và người cao tuổi.

Trong diễn biến khác, Reuters dẫn nguồn tin thân cận với một nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) cho biết khoảng 25% trong tổng số 1,35 tỉ dân Ấn Độ có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Kết quả này cho thấy tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Nam Á này có thể cao hơn nhiều so với số liệu được công bố chính thức. Đến nay, Ấn Độ xác nhận đã có tổng cộng gần 10,8 triệu ca mắc COVID-19, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của ICMR chỉ ra rằng số ca mắc thực sự của Ấn Độ có thể vượt 300 triệu ca. Cơ quan nhà nước này cho biết sẽ công bố kết quả nghiên cứu chính thức tại cuộc họp báo ngày 4/2. Hiện chưa rõ số người tham gia cuộc nghiên cứu này.

Trước đó, ICMR đã tiến hành một nghiên cứu khác hồi tháng 8 và 9/2020, sử dụng mẫu máu của hơn 29.000 người trên 10 tuổi. Kết quả là 1/15 người Ấn Độ có kháng thể COVID-19. Tỉ lệ này tăng lên 1/6 tại những khu nhà ổ chuột đông dân trong thành phố.

Một nghiên cứu do chính quyền thủ đô New Delhi công bố tuần này cho thấy hơn 10 triệu cư dân đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong ngày 3/2, Ấn Độ công bố thêm 11.039 ca mắc và 110 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại đây tăng lên 10.778.206 ca với 154.596 ca không qua khỏi.

Số ca mắc và tử vong giảm đáng kể so với mốc đỉnh gần 100.000 ca/ngày được ghi nhận hồi giữa tháng 9/2020. Ấn Độ đã tiêm phòng cho hơn 4 triệu người trong 18 ngày với mục tiêu đạt 300 triệu người vào tháng 8/2021.

Tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan dù rằng chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 đã được triển khai tại nhiều nước và đến nay đã có khoảng hơn 100 triệu người được tiêm chủng ngừa.

Đặc biệt, tại châu Âu, đà tăng số ca lây nhiễm chưa có dấu hiệu chững lại khiến châu lục này điêu đứng vì chưa thể nới lỏng được các biện pháp phong tỏa. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 3/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết có một số "dấu hiệu hy vọng,"nhưng số ca nhiễm mới theo ngày vẫn quá cao để có thể xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo nhà lãnh đạo Anh, mặc dù số ca nhập viện có chiều hướng giảm, Cơ quan y tế quốc gia (NHS) hiện vẫn đang chịu áp lực lớn. Trưởng văn phòng y tế vùng England Chris Whitty nhận định: "Nước Anh có thể vừa đi qua đỉnh của đợt dịch hiện nay, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có một đỉnh mới”.

Theo số liệu thống kê mới nhất, với 19.202 ca trong vòng 24 giờ qua, hiện nước Anh ghi nhận tổng cộng, 3.871.825 ca, trong đó có 109.335 ca tử vong. Nước Anh hiện đứng thứ 5 trên thế giới và đứng thứ hai châu Âu về số ca nhiễm. Thủ tướng Anh cho biết 90% trong số những người trên 75 tuổi tại "xứ sở sương mù" đã được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 mũi đầu tiên.

Trong khi đó, tại Pháp, tốc độ lây nhiễm virus dù có giảm, nhưng vẫn cao so với nhiều khu vực khác. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong vòng 24 giờ qua là 26.362, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.251.160, đứng thứ ba tại châu Âu và đứng thứ sáu thế giới về số ca nhiễm.

Với thêm 357 ca tử vong, cho đến nay Pháp ghi nhận tổng cộng 77.595 ca tử vong. Theo Bộ Y tế, hiện Pháp đã tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cho 1.682.951 người, trong đó 140.140 người đã được tiêm mũi thứ hai.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng. Theo Bộ Y tế, trong tuần qua nước này đã ghi nhận tới 128 ca nhiễm biến thể mới tại 17 thành phố trên cả nước. Trong vòng 24 giờ, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 8.102 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 2.501.079 ca, trong đó có 26.354 ca tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252026/dich-covid-19--the-gioi-hien-co-4-000-bien-the-virus-sars-cov-2.html