Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 26/2 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 113.500.032 ca, trong đó 2.517.543 ca tử vong và 89.080.352 ca đã được chữa khỏi.

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 411.080 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 65.186 ca và 2.115 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 29.040.071 ca và 520.487 ca.

Một người dân xuất trình thẻ tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Jakarta, Indonesia (Ảnh: The Jakarta Post)

Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 với 11.063.038 ca, đứng thứ ba với về số ca tử vong với 156.861 ca. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 10.390.461 ca, đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 251.498 ca. Riêng trong ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 64.453 ca nhiễm mới.

Châu Âu trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (33.718.663 ca). Với 33.301.133 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 24.789.608 ca và Nam Mỹ với 17.745.440 ca. Châu Phi (3.893.493 ca) và châu Đại Dương (50.974 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Nga là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực châu Âu, với 4.212.100 ca, trong đó 84.876 ca đã tử vong. Tiếp đến là Anh với 4.154.562 ca mắc, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 9.985 ca mắc.

Trong khi đó, Pháp ngày 24/2 đã ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ trung tuần tháng 11/2020, với 25.403 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3.686.813 triệu ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Pháp tăng thêm 261 ca lên 85.582 ca. Nhà chức trách Pháp cho biết sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm phòng, chống dịch bệnh ở khu vực xung quanh biên giới chung với Đức trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang nỗ lực khống chế sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở vùng Moselle, giáp giới với Đức. Theo đó, những lao động làm việc xuyên biên giới sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu đi lại qua biên giới không vì mục đích công việc.

Tại khu vực Bắc Mỹ, sau Mỹ (dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc) là Mexico với 2.060.908 ca mắc, 182.815 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 857.818 ca mắc, trong đó 21.857 ca tử vong. Panama ghi nhận 338.701 ca mắc, trong đó 323.283 ca đã bình phục và 5.789 ca tử vong.

Tại khu vực Nam Mỹ, sau Brazil (dẫn đầu khu vực và đứng thứ ba thế giới về số ca mắc) là Colombia với 2.241.225 ca, trong đó 59.396 ca đã tử vong. Tiếp đến là Argentina với 2.093.645 ca mắc, trong đó 51.795 ca tử vong.

Nam Phi trong ngày hôm qua ghi nhận thêm 1.676 ca nhiễm, và vẫn dẫn đầu châu Phi về số ca mắc COVID-19 với tổng số 1.509.124 ca mắc, trong đó 49.667 ca đã tử vong. Tiếp đến là Morocco và Tunisia với lần lượt là 482.514 và 231.298 ca nhiễm.

Châu Đại Dương chỉ ghi nhận 13 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm trong khu vực lên 50.974ca. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 28.947 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Tại châu Á, Campuchia thông báo phát hiện 64 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tính đến sáng 25/2 là 697 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 477 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Hiện nhà chức trách Campuchia đang lo ngại về nguy cơ có thêm đợt bùng phát mới dịch COVID-19 trong cộng đồng sau trường hợp 1 nữ cảnh sát nước này đi dự tiệc cưới hồi tuần trước tại tỉnh Prey Veng (giáp biên giới với Tây Ninh, Việt Nam) có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Các nước Đông Nam Á khác cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Trong ngày 25/2, Indonesia cho biết nước này đã có thêm 8.493 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, tổng cộng nước này có 1.314.634 người mắc bệnh ở nước này, trong đó có 35.518 trường hợp không qua khỏi. Hiện Indonesia là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 181,5 triệu người dân trong khoảng 1 năm, sử dụng vaccine của các hãng Sinovac, Novavax và AstraZeneca.

Philippines thông báo ghi nhận thêm 2.269 ca mắc COVID-19 và 72 người tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 568.680 và 12.201. Một quan chức cấp cao Philippines thông báo nước này sẽ nhận những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, cho phép khởi động chiến động chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ tuần tới.

Thái Lan có thêm 72 ca nhiễm, trong đó có tới 63 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, có 30 ca ở tỉnh Samut Sakhon và 7 ca ở thủ đô Bangkok. Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 25.764 ca mắc COVID-19, trong đó có 83 người không qua khỏi.

Tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 1.924 ca nhiễm mới, trong đó 1.918 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 293.698 ca. Trong 24 giờ qua, Malaysia cũng ghi nhận 12 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.100 người.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 7 ca nhiễm mới là các trường hợp nhập cảnh và không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, 96 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện. Như vậy, tính đến hết ngày 24/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 89.871 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.954 bệnh nhân bình phục và xuất viện.

Hàn Quốc ngày 25/2 ghi nhận số ca mắc mới giảm nhẹ xuống mức dưới 400 ca. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố thêm 396 ca mắc mới, trong đó có 369 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, tổng số ca mắc tại Hàn Quốc tăng lên 88.516 ca. Cũng theo KDCA, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tăng thêm 5 ca lên 1.581 ca./.

Kiều Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap-tai-dong-nam-a-575328.html