Dịch bệnh trên heo ở các tỉnh phía Nam: Chưa rõ nguyên nhân

Tại tỉnh Bạc Liêu, heo giống mới giao cho dân nuôi được vài ngày thì bị bệnh, đơn vị cung cấp cho rằng lỗi do người dân. Tại Đồng Nai, kiểm soát chặt chẽ dịch tễ, không đưa heo bệnh ra ngoài vùng

Mấy ngày qua, nhiều người dân ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình-Bạc Liêu đứng ngồi không yên khi đàn heo của họ đã bị ngành chức năng tiêu hủy vì cho rằng có biểu hiện của bệnh tai xanh. Điều đáng nói là bệnh xảy ra ngay trên đàn heo giống có nguồn gốc từ Trung tâm Giống nông nghiệp – Thủy sản Bạc Liêu, được cấp cho bà con nghèo theo Chương trình 135. Người nuôi heo ở xã Vĩnh Hậu A rất lo lắng cho số phận đàn heo của mình. Ảnh: D.NHÂN Nuôi không đúng quy trình? Gia đình chị Thạch Thị Hằng (ấp Vĩnh Thạnh, Xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) là một trong số những hộ được chọn hỗ trợ heo giống theo chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong vùng đồng bào dân tộc, do UBND xã Vĩnh Hậu làm chủ đầu tư và Trung tâm Giống nông nghiệp – Thủy sản Bạc Liêu cung cấp giống. Chị Hằng cho biết: “Tôi nhận được một con heo giống từ chương trình nhưng nuôi được mấy ngày thì heo ho, bỏ ăn, tiêu chảy... nên mấy ngày sau cán bộ thú y xuống tiêu hủy vì nghi heo bị bệnh tai xanh”. Cũng giống như hộ chị Hằng, nhiều hộ nhận heo từ chương trình cũng phát bệnh và bị tiêu hủy. Đến nay, toàn ấp Vĩnh Thạnh có 30/40 con heo từ chương trình, bị bệnh và 20 con đã bị tiêu hủy. Chương trình hỗ trợ heo giống được UBND xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình ký hợp đồng với Trung tâm Giống nông nghiệp – Thủy sản Bạc Liêu cung cấp heo giống. Theo hợp đồng, UBND xã Vĩnh Hậu A mua 204 con heo giống để cấp cho các hộ nghèo nằm trong Chương trình 135. Việc giao heo giống chia thành 5 đợt từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8-2009. Hợp đồng ghi rõ: heo giống khỏe mạnh, đã được chích ngừa các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Cục Thú Y. Tuy nhiên, chỉ mới giao 40 con heo giống đợt I vào ngày 27-7 cho các hộ dân nuôi được vài ngày thì heo phát bệnh. Ông Nguyễn Trọng Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp – Thủy sản Bạc Liêu, cho rằng: “Tôi bảo đảm heo trại giống cung cấp cho người dân đều là heo khỏe mạnh và được tiêm vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh. Khi được chủ đầu tư báo, chúng tôi đã xuống kiểm tra ở các hộ chăn nuôi và nhận thấy hầu hết các hộ chăn nuôi không bảo đảm quy trình nuôi như: chăn nuôi không chuồng, xỏ lỗ tai và chuyển đổi thức ăn... Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra trại heo giống và một số xã nằm trong chương trình ở các huyện khác, nhưng heo vẫn khỏe mạnh”. Chờ xét nghiệm Ngày 17-8, Trung tâm Thú y Vùng VI đã cử người xuống xã Thanh Sơn, huyện Định Quán-Đồng Nai để làm rõ nguyên nhân heo chết đồng loạt với số lượng lớn xảy ra suốt 10 ngày qua. Theo ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc 200 con heo tại xã Thanh Sơn bị chết. Hiện Trung tâm Thú y Vùng VI và thú y địa phương đã lấy mẫu bệnh phẩm nhằm xác định nguyên nhân đồng thời lập phác đồ để điều trị. Về nghi vấn heo chết vì cúm, ông Hải cho rằng phải chờ kết quả xét nghiệm PCR mới có thể khẳng định được. Tuy nhiên, nếu heo bị cúm thì đây chỉ là căn bệnh thông thường, xảy ra khi thời tiết thay đổi, nắng nóng thất thường cùng với việc người dân nuôi, chăm sóc không tốt khiến heo dễ mắc bệnh. Nếu vệ sinh chuồng trại tốt, heo sẽ tự khỏi bệnh trong vài ngày tới. Ngoài ra, cán bộ thú y cũng đã phát thuốc để người dân tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại nhằm tránh việc dịch bệnh lây lan. Ông Nguyễn Xuân Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Định Quán, cho biết trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, UBND xã Thanh Sơn phối hợp ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ dịch tễ, không đưa heo bệnh ra ngoài vùng; trạm thú y huyện cấp thuốc và phối hợp với xã khử trùng tiêu độc chuồng trại. Sẽ kiểm tra Chiều 17-8, ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y Bộ NN-PTNT, cho biết hiện Cục Thú y chưa có báo cáo đầy đủ về số lượng và nguyên nhân dịch bệnh heo ở Đồng Nai, Bạc Liêu và Bà Rịa-Vũng Tàu. Cục Thú y sẽ cho kiểm tra tình trạng dịch bệnh ở một số tỉnh phía Nam. Theo ông Anh, dịch bệnh tai xanh ở heo năm nay hạn chế hơn nhiều so với năm 2008 và chưa đến mức báo động. Ông Anh cho rằng việc để xảy ra dịch trên diện rộng thì nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương, chủ trang trại nuôi không thực hiện đúng quy định về tiêm phòng cho heo của Bộ NN-PTNT. T.Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2009081812525617p0c1002/chua-ro-nguyen-nhan.htm