Địa điểm khảo cổ Phật giáo 1.000 năm tuổi Pilak trở thành điểm du lịch quan trọng của Ấn Độ

Chính quyền bang Tripura thuộc vùng đông bắc Ấn Độ đang quảng bá Pilak, một địa điểm khảo cổ Phật giáo 1.000 năm tuổi, như một phần của hành trình du lịch tâm linh, văn hóa và tôn giáo.

Tọa lạc tại Jolaibari thuộc quận Nam Tripura, Pilak là một trong các địa điểm Phật giáo và Ấn Độ giáo tại khu vực biên giới của Tripura, giáp với Bangladesh (trước đây là Đông Bengal) và bang Rakhine của Myanmar (trước đây là Arakan).

“Đó là một điểm du lịch nổi tiếng ở phía Nam của Tripura và được mọi người từ các vùng khác nhau của đất nước đến thăm viếng. Chúng tôi đã kết nối và tạo ra một hành trình du lịch khảo cổ, bao gồm Chhabimura và Udaipur ở quận Gomati và Pilak ở quận Nam Tripura”, Giám đốc Cục Du lịch bang T.K. Das cho biết.

Hành trình du lịch bắt đầu từ thủ phủ bang Agartala và kết nối Pilak với Udaipur, một thành phố của đền đài (Rangamati), nơi có ngôi đền Tripureswari Kali, một trong 51 ngôi đền Shaktipithas, tọa lạc. Nó cũng bao gồm cả Chhabimura, nổi tiếng với những tấm đá chạm khắc trên một bức tường dựng bên bờ sông Gomti.

Pilak là nơi có vô số tác phẩm điêu khắc Phật giáo và Ấn Độ giáo cổ đại, bao gồm các mảng còn sót lại của đền thờ làm bằng đất nung và đá, hai bức tượng Quán Thế Âm lớn bằng đá từ thế kỷ IX và một tác phẩm điêu khắc Narasimha từ thế kỷ XII. Tất cả những đồ vật này đang được trưng bày trong Bảo tàng Chính phủ ở Agartala. Hai bức tượng Phật bằng đồng cũng được tìm thấy tại Rishyamukh gần Pilak. Những khám phá này đã chỉ ra rằng nơi đây ban đầu có các vương quốc Phật giáo trước khi Ấn Độ giáo xâm chiếm khu vực.

Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã giám sát địa điểm này từ năm 1999. ASI bắt đầu khai quật vào đầu những năm 1960 và phát hiện ra các bảo tháp bằng gạch tại đó. Theo kết quả của các cuộc điều tra của ASI, các bức tượng của Đức Phật và các tác phẩm điêu khắc Phật giáo Đại thừa khác cũng đã được tìm thấy ở Jolaibari và các gò đất lân cận.

Kỹ sư điều hành của Bộ Du lịch bang Uttam Pal cho biết Chính phủ đã lên kế hoạch phát triển địa điểm này cho khách hành hương Phật giáo từ Đông Nam Á và các nơi khác. Ông lưu ý: “Vì Pilak là một địa điểm khảo cổ nên không thể xây dựng công trình kiên cố nào trong vòng 150 mét quanh đó, nhưng nhiều cơ sở đã được tạo ra cho khách hành hương và du lịch bên ngoài khu vực hạn chế. Lượng khách đến thăm nơi này cũng đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Chính quyền bang đã xây dựng một bungalow (kiểu nhà một tầng) du lịch tại Jolaibari, gần địa điểm này”.

Một quan chức cấp cao của ASI cho biết thêm rằng một bảo tháp đã được khai quật tại Sundari Tila gần Pilak, dưới sự giám sát của giám đốc ASI P. Kumaran. Ông chia sẻ: “Đây là một bảo tháp Phật giáo có kích thước đầy đủ được xây dựng vào thế kỷ XI theo kiểu kiến trúc dưới triều đại Pala của Bengal”.

Theo nhà sử học Panna Lal Roy, phong cách chủ yếu trong số các hình ảnh và tác phẩm điêu khắc trên đá tại Pilak cho thấy ảnh hưởng nghệ thuật và văn hóa từ vùng Arakan của Myanmar, các triều đại Pala và Gupta của Bengal cũng như các phong cách địa phương giống với các mảng đúc từ Mainamati.

Pilak trước đây là một phần của vương quốc Samatata ở Bengal cổ đại. Ngày nay, địa điểm này lại trở thành nơi khảo cổ ở Bangladesh bao gồm Mainamati và Somapura Mahavihara. Các mảng đất sét, con dấu và các tác phẩm điêu khắc Ấn Độ giáo và Phật giáo thời kỳ đầu được phát hiện tại địa điểm này có niên đại từ thế kỷ VIII-IX.

Phổ Tịnh tổng hợp/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/dia-diem-khao-co-phat-giao-1000-nam-tuoi-pilak-tro-thanh-diem-du-lich-quan-trong-cua-an-do-post68152.html