Địa danh tiêu biểu gắn với Cách mạng Tháng 8 ở ba miền đất nước

Quảng trường Nhà hát Lớn ở Hà Nội, Ngọ Môn ở Huế và Dinh Tổng Thận ở Long An là ba địa điểm có tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

1. Nằm ở phía trước Nhà hát Lớn, Quảng trường Cách mạng Tháng 8 (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) là địa danh gắn với cuộc cách mạng giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam sau một thời kỳ dài nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

Ngược dòng lịch sử, cả đêm 18/8/1945, ở Hà Nội hầu như không ai ngủ. Các tầng lớp quần chúng nhân dân khẩn trương chuẩn bị cờ, băng rôn, biểu ngữ cho cuộc biểu tình lớn do Việt Minh tổ chức, dự kiến diễn ra ở quảng trường Nhà hát Lớn ngày hôm sau.

Rạng sáng 19/8, từng đoàn người rầm rập tiến thẳng về quảng trường trong khí thế cách mạng hừng hực. Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng diễn ra ở quảng trường. Từ lễ đài trước Nhà hát Lớn, đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa!

Sau tuyên bố đó, cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang giành chính quyền. Ngày 19/8 đi vào lịch sử như ngày cuộc Cách mạng Tháng 8 bùng nổ. Vào thập niên 1990, địa điểm lịch sử này chính thức mang tên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.

2. Ngày 23/8/1945, cuộc Cách mạng Tháng 8 ở Huế giành thắng lợi. Đến ngày 30/8/1945, tại cửa Ngọ Môn ở Hoàng thành Huế diễn ra buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam.

Trong buổi lễ, vua Bảo Đại đã đọc Chiếu thoái vị và trao hai vật tượng trưng cho vương quyền là chiếc ấn và thanh kiếm cho đại diện Chính phủ Lâm thời và Việt Minh để trở về làm dân của một nước độc lập.

Chiếu thoái vị của cựu hoàng Bảo Đại có câu: "Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị".

Từ giây phút này, chính quyền đã về tay nhân dân. Niềm vui của người Huế vỡ òa, bởi đây là thắng lợi trong bộn bề khó khăn do Huế là kinh đô của nhà nước phong kiến, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và cũng là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật.

3. Tọa lạc bên bờ sông Bảo Định tại số 19 đường Ngô Quyền, thành phố Tân An, tỉnh Long An, Dinh Tổng Thận là chứng tích lịch sử đặc biệt về cuộc Cách mạng tháng Tám ở khu vực Nam Bộ.

Cụ thể, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tân An là địa phương đầu tiên của Nam Bộ giành được chính quyền vào ngày 22/8. Tỉnh ủy Tân An đã trưng dụng dinh Tổng Thận làm tổng hành dinh. Đây chính là trụ sở công khai đầu tiên của chính quyền cách mạng ở Nam Bộ sau Cách mạng.

Tại tòa dinh thự này, trong vòng một tháng sau khi giành chính quyền, Tỉnh ủy lâm thời đã tiến hành ba cuộc hội nghị quan trọng, đề ra các quyết sách củng cố, bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp...

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, dinh Tổng Thận đã có thời điểm xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ đổ sập. Đến năm 2013, công trình đã được phục hồi nguyên gốc và trở thành địa điểm giáo dục truyền thống quan trọng của tỉnh Long An nói riêng và miền Nam nói chung.

Mời quý độc giả xem video: Toàn văn Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập | VTV24.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/dia-danh-tieu-bieu-gan-voi-cach-mang-thang-8-o-ba-mien-dat-nuoc-1890287.html