Đi qua trục đông-tây Phú Yên lên Đắk Lắk
Những ngày cuối tháng 4 oi bức, Quốc lộ 29 từ tỉnh Phú Yên đi Đắk Lắk vẫn náo nhiệt, tấp nập xe cộ lên xuống như nhiều hơn mọi khi. Trên trục đông-tây chiến lược dài 293km nối vùng đất màu mỡ Tây Nguyên với miền biển đầy tiềm năng này đã bắt đầu có những người dân hai tỉnh lên, xuống thường xuyên hơn.

Vườn sầu riêng của anh Lê Minh Quân đang trong giai đoạn chuẩn bị làm bông, hứa hẹn một mùa bội thu.
Tất cả cùng chung tâm trạng hớn hở, muốn tận mắt được khám phá các vùng đất mới, phương trời mở rộng trước khi hợp nhất về chung một nhà. Tại vùng giáp ranh, những bản làng trù phú với các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao như cà-phê, sầu riêng cũng bắt đầu rục rịch, từng ngày đón đợi được mang thương hiệu nổi tiếng Đắk Lắk.
Mở ra cơ hội vươn mình
Nằm ở phía đông núi Hòn Đen, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cách địa phận tỉnh Đắk Lắk chừng hơn 1km đường chim bay, vườn sầu riêng rộng 5ha do anh Lê Minh Quân chịu trách nhiệm chăm sóc.
Anh đồng thời cũng là thành viên của Tổ hợp tác Hòn Đen với tổng diện tích 12ha sầu riêng Dona được cấp mã số vùng trồng. Vụ năm rồi, nhờ những cây từ 5-7 năm tuổi, anh Quân cũng thu được gần 30 tấn.
Theo anh Quân, nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng sẽ tăng thêm khoảng 10 tấn, và thương lái đến mua ngay tại vườn với giá đúng theo thị trường do đã có mã số vùng trồng, cộng với giống, kỹ thuật từ Đắk Lắk.
“Được mang thương hiệu cây trồng nổi tiếng trong và ngoài nước của Đắk Lắk, bà con vui lắm, không còn lo khâu tiêu thụ đầu ra và giá cả, kể cả sâu bệnh hại cũng được kiểm soát an toàn hơn”, anh Quân không giấu nổi niềm vui, nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Bar Lê Mô Y Bông phấn khởi cho biết thêm: “Đây là cơ hội mở ra hướng phát triển bền vững cho vùng sầu riêng trọng điểm trên 500ha của xã trên tổng diện tích hơn 800ha của cả huyện Sông Hinh, hứa hẹn bứt phá phát triển vùng đất giàu bản sắc người đồng bào dân tộc thiểu số này”.
Cách đó không xa, chủ vườn cà-phê hơn 1ha đã cho thu hoạch năm thứ 3 của gia đình anh Lê Quốc Huy cũng vừa thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán, bán tươi cho thương lái Đắk Lắk hơn 20 tấn với giá 25.000 đồng/kg, lãi trên 250 triệu đồng.
Anh Huy mong muốn: “Tại “thủ phủ” cà-phê này, khi nhập vào Đắk Lắk sẽ có thương hiệu, thêm nhà máy chế biến khô nữa thì tiếp tục thắng lớn, bà con nhanh chóng mở rộng diện tích”.
Anh Huy cho biết thêm, có lô đất rộng chừng 1ha, cách đây vài hôm thôi, họ đã trả giá 1,9 tỷ rồi, giờ tăng lên 2,1 tỷ nhưng chủ vẫn không bán.

Anh Lê Quốc Huy mong muốn được mang thương hiệu cà-phê Đắk Lắk.
Trồng sầu riêng diện tích lớn nhất nhì huyện miền núi Sông Hinh với 20ha, trong đó đã có 5ha cho thu hoạch, lợi nhuận hằng năm sau khi trừ chí phí, lãi từ 2 đến hơn 3 tỷ đồng, ông Cao Nguyên Lâm chia sẻ: “Mình là khu vực làm nông nghiệp nên bà con làm vườn ở đây thích nhập với tỉnh Đắk Lắk hơn vì nhờ thế mạnh, thương hiệu lâu nay của họ. Không chỉ sầu riêng, mà nhiều cây trồng khác, phần lớn đều phụ thuộc vào thương lái của Đắk Lắk xuống mua, có ngày liên tục vài đoàn”.
Theo ông Lâm, do Đắk Lắk đã làm trước, có kinh nghiệm nhiều hơn, có mã vùng, đầu ra mua mạnh hơn, lại ổn định nên bà con ở đây hướng theo là quá tốt.
“Đó là chưa nói sắp tới Quốc lộ 29 được mở rộng, kết nối thông thoáng với trung tâm tỉnh mới và biển, chú thấy có lợi biết nhường nào? Bà con bên đây sẽ được ở khu trung tâm, hạ tầng, nhà cửa, đô thị phát triển là quá ngon, quá tốt, mừng lắm”, ông Lâm chia sẻ niềm vui với phóng viên.

Vụ sầu riêng này, ông Lâm hy vọng sẽ thu về trên dưới 5 tỷ đồng.
Từ câu chuyện về cây sầu riêng và cà-phê ở vùng đất giáp ranh với Tây Nguyên này, mà đặc biệt là khi có chủ trương hợp nhất 2 tỉnh Phú Yên với Đắk Lắk, bất cứ ai cũng có thể nhìn ra được cánh cửa định hướng cho sự phát triển chiến lược lâu dài, bền vững đã bắt đầu hé mở, báo hiệu sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết cùng nhau vươn mình trong kỷ nguyên mới của nhân dân 2 tỉnh khi sáp nhập.
Nhộn nhịp trạm dừng chân Hương Đắk Phú
Ngược xã Ea Bar của tỉnh Phú Yên trên Quốc lộ 29 thẳng tiến Tây Nguyên, chúng tôi bắt bắt gặp một điểm dừng chân có tên Hương Đắk Phú do người dân tự mở nằm ngay ngã 3 Phú Yên-Đắk Lắk-Lòng hồ công trình Thủy điện Krông H’Năng.
Dưới cái nắng rát da đầu mùa nhưng khu vực này lại là nơi ngừng nghỉ khá đông của cánh tài xế xe tải, người và các loại phương tiện lên xuống Phú Yên-Đắk Lắk.
Hương Đắk Phú chỉ bán những món ăn, nước uống rất bình dân mà ai cũng có thể dùng được như cơm gà, nước mía sạch…, nhưng hội tụ khá đủ yếu tố đặc trưng 2 địa phương.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là chủ quán lại là người Phú Yên. Anh là Trần Cao Phú, người đặt chân lên vùng đất Đắk Phú, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk từ cuối thập niên 90, nay đã được 26 năm, khi nơi này còn đang trong giai đoạn khảo sát thủy điện Krông H’Năng, chưa có đường kiên cố, dân cư cũng chẳng mấy người.
Anh Phú nhớ lại, trước đây khu này thuộc buôn Ba, khó khăn đủ bề, sau đó phát triển lên khoảng 60 hộ và trở thành thôn Đắk Phú ngày nay.
Mình đã sinh sống ở cả 2 tỉnh nên giờ nhập lại thấy rất vui và rất đỗi tự hào, miễn sao đời sống, an sinh xã hội hơn hôm nay là được.
Khi được hỏi tỉnh Phú Yên hợp nhất với Đắk Lắk, anh thấy thế nào? Không chút đắn đo, suy nghĩ, anh Phú buột miệng nói luôn: “Riêng tôi rất đồng tình và hoan nghênh, bởi vì tỉnh Đắk Lắk có cây công nghiệp, nguồn thu bao giờ cũng mạnh hơn cây nông nghiệp của Phú Yên nên sẽ có sự chia sẻ để phát triển mở rộng.
Khi sáp nhập, mình cũng tin tưởng nếu Phú Yên còn yếu mặt nào, Đắk Lắk sẽ tập trung đầu tư xuống cho đồng đều và ngược lại, vì cả hai sẽ cùng chung một nhà, chứ không thể có chuyện “nhà bé, nhà to” coi sao được.
Không chỉ vậy, anh Phú còn quả quyết, khi Quốc lộ 29 được nâng cấp mở rộng thì người dân là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên, nên họ sẵn sàng cùng với Nhà nước sớm hoàn thành con đường chiến lược, mơ ước bao đời nay.
Anh Phú hé lộ, khi đường được khởi công, tôi ấp ủ rất nhiều ước mơ, nhưng tâm huyết nhất vẫn là có thêm chút tiền để mở rộng, nâng cấp trạm dừng chân này, bởi vì người dân Phú Yên mình lên Đắk Lắk làm gì, ở đâu chưa biết, nhưng thường thì cá nhân đi nhiều hơn tập thể. Mà một khi đi tới đây cũng mệt rồi, đói rồi, phải kiếm cái gì đó ăn, uống, nghỉ trọ tại chỗ.
Gần đây nhất, có đoàn công tác của tỉnh Phú Yên lên làm việc với tỉnh Đắk Lắk cũng dừng chân tại đây nghỉ ngơi, uống nước giải khát rồi mới tiếp tục hành trình. Trạm dừng chân này không chỉ là mưu sinh cuộc sống hằng ngày của gia đình tôi, mà còn nhân lên niềm vui vì thường xuyên được gặp đồng hương mình trước đây và sau này là tỉnh Đắk Lắk mới.

Vùng giáp ranh Phú Yên-Đắk Lắk trên Quốc lộ 29 hứa hẹn thành trạm dừng chân lý tưởng.
Ở góc nhìn của một người buôn bán nhỏ lẻ, anh Phú cũng chỉ ra được sự phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch. Theo anh, tỉnh mới sẽ có chung lợi thế biển, càng phát triển được du lịch nghỉ dưỡng; thông thương hàng hóa, nông sản về cảng Vũng Rô, tỏa đi muôn phương.
Chia tay trạm dừng chân lý tưởng không còn xa khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi xuôi hơn 80km về thành phố biển Tuy Hòa mà lòng quyến luyến bởi câu nói “ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”.
Hẹn gặp lại khi tỉnh mới hình thành và đi vào hoạt động, hứa hẹn một dải đất xuyên suốt, trục phát triển đông-tây xán lạn, trù phú, hội tụ đầy đủ hai yếu tố rừng và biển, với những con người thân thiện, giàu truyền thống yêu nước, nhất định sẽ được gìn giữ và vươn mình phát triển, như mỗi khi nhắc đến non sông gấm vóc Việt Nam cường thịnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt; Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu… ".
Quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk dài hơn 180km đi qua thị xã Đông Hòa và các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ. Đoạn trên địa phận Phú Yên dài 109km, Đắk Lắk dài 73,5km. Đây là tuyến kết nối khu vực duyên hải miền trung với Tây Nguyên, kết nối với các trục giao thông trọng yếu của quốc gia và đi qua Khu kinh tế Nam Phú Yên, kết nối cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, cửa khẩu liên thông khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Theo ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, qua nhiều năm sử dụng, hiện nhiều đoạn trên Quốc lộ 29 dần xuống cấp, mặt đường hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng cao nên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa ngày càng lớn dọc hành lang kinh tế đông-tây và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/di-qua-truc-dong-tay-phu-yen-len-dak-lak-post874011.html