Đi đâu loanh quanh…

Không gian sống Việt thời hiện đại đã và đang du nhập nhiều phong cách, quan niệm Đông – Tây hòa trộn. Tuy vậy, vẫn có một dạng ứng xử mang đặc trưng văn hóa – đặc thù phong thủy, đó là bố trí lối đi và nội thất quanh co linh hoạt, tránh kiểu sắp xếp trực xung. Đặc thù các giải pháp 'loanh quanh' này đem lại hiệu quả cao cả trong sử dụng lẫn phong thủy.

Kiểu bố trí bình phong trong nhà ống Hội An để tránh lối đi – tầm nhìn trực diện ngoài vào.

Kiểu bố trí bình phong trong nhà ống Hội An để tránh lối đi – tầm nhìn trực diện ngoài vào.

Nét đặc trưng văn hóa Việt xưa nay là kiểu ứng xử linh hoạt mềm mại. Nếp sống thiên về trọng tính Âm và ngại phân tích trực diện, ít phản biện, trong lời ăn tiếng nói hay bài trí nhà cửa xưa nay đều có thể thấy vô số biểu hiện sống động cho cách hành xử “loanh quanh” này. Từ kiểu nói chuyện rào trước đón sau, đến lối ví von ẩn dụ trong văn học nghệ thuật, tập quán kiêng kỵ theo tôn ti trật tự, chọn cây và chưng mâm quả theo suy diễn tên gọi may mắn…, trong đó rõ nhất là biểu hiện khi làm nhà cửa, cảnh quan, nội thất.

Ưa khúc tắc, kỵ trực xung, dùng Thủy – Mộc

Lần ngược về điều kiện nảy sinh cung cách ứng xử “loanh quanh” đó, có thể hiểu đặc trưng khí hậu và thổ nhưỡng, địa hình Việt đã làm nên con người và kiểu thức Việt. Sông ngòi uốn khúc đắp bồi phù sa, đất đai nông nghiệp với nghề thủ công thiên về vật liệu nguồn gốc thiên nhiên.

Đặc trưng hành Mộc này vốn được Thủy sinh và sinh Hỏa, tuân theo dáng hình tự nhiên và uốn lượn mềm mại, dù bốc cao (lửa) hay chìm thấp (nước) thì không gian Việt đều lấy yếu tố hài hòa âm dương làm chính. Mà muốn hài hòa âm dương, vẹn cả đôi đường thì phải có qua có lại, có bù trừ, có vay trả, có che chắn nhưng không kín mít, có lối có hàng nhưng không thẳng tuột mà tiến thoái nhịp nhàng tùy điều kiện cụ thể.

Xử lý lối đi uốn lượn ứng dụng sâu rộng từ nhà công nghiệp diện tích rộng đến nhà hàng trong phố hẹp.

Xử lý lối đi uốn lượn ứng dụng sâu rộng từ nhà công nghiệp diện tích rộng đến nhà hàng trong phố hẹp.

Cách bài trí nhà cửa tránh dẫn lối Trực xung với cửa cái (cửa chính) của nhà Việt xuất phát từ quan niệm “sinh khí đi theo đường lượn, sát khí dẫn theo đường thẳng” mà cha ông ta đúc kết từ quan sát các quy luật tự nhiên trong nông nghiệp, y học, khí hậu… để chọn lựa cách xử lý phù hợp. Dĩ nhiên không phải ai cũng hợp với cách ứng xử “loanh quanh” này, bởi cá tính riêng, diện tích không gian hay đặc tính công trình.

Tuy nhiên thực tế các không gian hiện đại dù có theo Tây phương đến cỡ nào (như các nhà xưởng công nghiệp thuần Kim, các trung tâm thương mại hiện đại…) thì vẫn luôn đối mặt với vấn đề: làm sao để giảm áp lực giao thông, tiếng ồn, dòng người trực diện… tác động vào không gian chính nếu không có sự phân bố hợp lý? Bỏ qua yếu tố tâm lý kiểu tín ngưỡng Đông phương, các nguyên tắc thiết kế hiện đại đều vẫn phải tuân thủ việc tạo luồng giao thông có dẫn dắt tại các nút tập trung (sảnh, cầu thang, cửa chính), do đó việc kỵ Trực xung là điều cần thiết nếu muốn có thiết kế bền vững.

Nhà vườn hoặc resort thuần chất.

Nhà vườn hoặc resort thuần chất.

Việt luôn có hồ nước, bình phong đặt trước chính môn để ngăn trực xung Biểu tượng của tính loanh quanh trong không gian sống chính là dòng nước, hành Thủy. Yếu tố biểu kiến và biểu tượng của nước thường bị lẫn lộn với bể cá hồ nước cụ thể nên nhiều khi chỉ thấy nước theo nghĩa đen mà ít để ý hành Thủy ẩn dụ trong bố trí cấu trúc.

Ví dụ một ngôi nhà truyền thống không đặt hồ cá non bộ nhưng vẫn mang yếu tố Thủy nhờ kiểu sắp xếp từ sân vào nhà quanh co qua khoảng vườn nhỏ, cách mở cổng và cửa không thẳng hàng nhau, lối đi từ trước ra sau né qua né lại với các mảng che chắn kiểu bình phong bằng gạch, gỗ, cây cối… Không áp đặt mà tế nhị nhẹ nhàng, tùy khả năng gia chủ mà điều chỉnh, đó chính là tính hiện đại và văn hóa ứng xử linh hoạt của nếp nhà Việt.

Các biến tấu khác nhau của kiểu dùng nước xen lẫn quanh co làm “chậm bước đường đột” khi ra vào nhà ở, quán xá.

Các biến tấu khác nhau của kiểu dùng nước xen lẫn quanh co làm “chậm bước đường đột” khi ra vào nhà ở, quán xá.

Ứng dụng đa dạng bên ngoài

Chúng ta thường nghe nói đến Khí, Trường Khí, Nội Khí, Sinh Khí… trong phong thủy, nhưng thực tế Khí đối với nhà ở cụ thể ra sao thì luôn gắn với các khái niệm vừa hữu hình vừa vô hình, thấy được thông qua nắng, gió,… mà cũng có thể chỉ là cảm nhận về một sự thoải mái, thông suốt hay tù túng trong nơi cư ngụ. Cha ông ta xưa nay luôn đặt tính cảm nhận lên hàng đầu khi chọn đất cất nhà, bài trí ngoại cảnh sao cho tránh các tác động xấu vào không gian sống, cụ thể: – Tôn trọng cảnh quan chung quanh, xem lũy tre, mương nước… là những “rào chắn” thiên nhiên hữu hiệu, nếp nhà Việt chỉ làm cổng như một hình ảnh ước lệ để biết bước qua đấy là địa phận một làng, một xóm, một ngôi nhà,… đúng tinh thần hiếu hòa thân thiện vốn có, chứ không phải để bít bùng, chia cắt không gian.

Cho nên tính chất quanh co của đường làng ngõ xóm thuở trước không phải để làm phức tạp giao thông, mà chính là dạng không gian chuyển tiếp rất nên ứng dụng cho hôm nay: từ trục lộ lớn rẽ vào khu dân cư, rồi từ giao thông nội khu tiếp cận công trình, tất cả đều cần sự dẫn dắt và gia giảm tốc độ từ từ, tránh đột ngột dễ gây ra va chạm, ô nhiễm, tiếng ồn.

Giếng trời dù nhỏ luôn là điểm phân tán luồng khí xuyên thấu, cân bằng âm dương cho nhà ống.

Giếng trời dù nhỏ luôn là điểm phân tán luồng khí xuyên thấu, cân bằng âm dương cho nhà ống.

– Cuộc đất hành Mộc được nhận dạng qua hình chữ nhật dài và hợp với cấu trúc nhà kiểu khung gỗ. Bởi Mộc sinh Hỏa nên hành Mộc khi lạm dụng sẽ gây nên sự mất quân bình. Ví dụ nhà trang trí nhiều gỗ, nhà nhiều cây cối rậm rạp bao quanh đều là dạng Mộc vượng, sinh Hỏa nên phải lưu ý nhiều hơn về đảm bảo an toàn, phòng cháy và thoát hiểm.

Khi cuộc đất – ngôi nhà mang tính Mộc Vượng như dạng nhà ở truyền thống hay nhà sàn toàn bằng vật liệu dễ cháy thì nguyên tắc phong thủy đều có bố trí kế cận ao, hồ, sông ngòi hoặc đặt hồ bán nguyệt ngay trước nhà để dùng Thủy khắc bớt Hỏa. Các lớp không gian “loanh quanh” tạo ra khoảng xen lẫn hồ nước với nhà chính là từ yếu tố làm mát, giảm Hỏa, phòng cháy, lấy gió cục bộ…, chứ không phải chỉ là mong muốn “tiền vô như nước” mà một số người lầm tưởng khi bố trí vật phẩm liên quan đến tài lộc.

Xử lý phong phú bên trong

Hầu như tất cả các “chỉ định nội thất” thời hiện đại đều khuyến cáo đón lành tránh dữ, tốt khoe xấu che. Điều này cũng gắn liền với công năng, thẩm mỹ và kỹ thuật của kiến trúc và xây dựng, cho nên không khó để áp dụng nguyên tắc “ưa quanh co ngại xông thẳng” nêu trên. Thứ tự ưu tiên áp dụng theo Dương trạch tam yếu là hệ thống cửa, bếp núc và các không gian chính cho chủ nhân.

Do Trường khí của mỗi nhà mỗi khác, khi các nhà mở cửa thẳng hàng nhau sẽ gây nên các luồng khí hút mạnh, đưa bụi, tiếng ồn và các tác nhân xấu qua lại. Khoảng cách giữa hai nhà càng gần, như nhà trong hẻm nhỏ, căn hộ chung cư có hành lang giữa… thì càng cần có biện pháp để sao cho luồng di chuyển và gió hút gió lùa phân tán bớt.

Cách đơn giản là hạn chế ngay từ phần thô như một số thiết kế khách sạn, bệnh viện, lớp học đã làm tốt: không bố trí cửa nhà (hay phòng) nhìn thẳng qua cửa nhà (hay phòng) đối diện. Nhưng cũng có trường hợp đã có sẵn hiện trạng không thể khắc phục ở căn hộ chung cư, hoặc thuê nhà xây sẵn, thì có thể dùng tường ngăn lửng, bình phong, tiểu cảnh sỏi đá… đặt phía sau bộ cửa chính để giảm luồng khí xông thẳng, hoặc nếu bộ cửa rộng và có nhiều cánh thì có thể mở thường xuyên lệch một bên, giúp cho tầm nhìn bên ngoài không soi thẳng vào nhà.

Việc thay đổi chất liệu bề mặt và cách bố trí giúp tạo nên các luồng di chuyển có trình tự và đóng mở không gian hiệu quả.

Việc thay đổi chất liệu bề mặt và cách bố trí giúp tạo nên các luồng di chuyển có trình tự và đóng mở không gian hiệu quả.

Đối với lối đi và cầu thang, việc hạn chế hành lang hun hút và cầu thang tránh đi thẳng ra cửa xuất phát từ nhận định của phái Lý Khí: nếu để miệng cầu thang (Khí Khẩu) dẫn thẳng ra cửa thì sẽ Tán Khí, Hao Tài. Còn xét về tính chất giao thông thì người trong nhà mỗi khi lên xuống lầu phải đi ra trước rồi mới vòng lại sau khá bất tiện, người lạ bên ngoài thì lại dễ dàng xâm nhập, đi thẳng lên tầng trên, thiếu an ninh.

Chỉ những công trình cần chào đón, thu hút khách (nơi công cộng, khách sạn, nhà hàng…) thì mới làm cầu thang và lối đi dẫn thẳng ra trước cửa, và miệng thang nằm ngay lối vào. Đó không phải là thang chính xuyên suốt các tầng nhà, mà chỉ là một vế cầu thang dẫn dắt từ ngoài vào mà thôi. Tất nhiên, trong nhà vẫn phải có một trục cầu thang riêng để di chuyển nội bộ xuyên suốt.

Trường hợp cầu thang của nhà ở thuần túy (không kinh doanh) mà đã “lỡ” thiết kế đi thẳng ra cửa, giải pháp khắc phục cũng khá đơn giản: đặt một bình phong hay chậu cây cảnh trước miệng thang để đổi hướng giao thông, hoặc làm vài bậc thang đầu tiên xoay ngang ra với những lam che chắn một cách thẩm mỹ.

Xử lý cao độ, dùng tủ kệ, bình phong, vật dụng để “đóng – mở” không gian hài hòa hơn, cũng giúp tăng cường Tụ Khí cho nội thất Nguyên tắc dẫn khí đi vòng, uốn lượn mềm mại cũng khá hợp khi bố trí bếp và phòng làm việc, phòng ngủ, bởi các không gian này đều lấy chủ thể sử dụng như bếp nấu, giường ngủ, bàn làm việc làm trọng tâm. Những luồng di chuyển trực tiếp hướng vào đầu giường, miệng bếp hay đâm ngang bàn viết đều cần né tránh. Khi không thể xoay xở vì diện tích nhỏ hoặc phần cứng cố định thì phần mềm sẽ sử dụng các vật dụng, bài trí chậu cây hay bình phong để “dắt lối” mềm mại. Nguyên tắc này cũng áp dụng khá nhiều trong phong thủy văn phòng, cửa hàng và cơ sở dịch vụ.

Như vậy, “đi đâu loanh quanh…” không hẳn là chuyện “cho đời mỏi mệt” như một câu hát mang tính chiêm nghiệm về cuộc sống. Đó thực sự là thái độ ứng xử theo các quy luật văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Những không gian mềm mại, những góc nhìn thấp thoáng, những luồng gió được dẫn dắt, ánh sáng phân tán hài hòa… sẽ tạo nên cấu trúc ngôi nhà linh hoạt, dễ thay đổi và hướng đến yếu tố bền vững nhiều hơn cả về vật lý lẫn tâm lý.

Bài: Ths-KTS hà Anh Tuấn

Ảnh: Xuân Trang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/di-dau-loanh-quanh-22226.html