Dẹp nạn chăn dắt ăn xin: Cần liên tục, bài bản

Đã đến lúc cần quyết tâm của cả chính quyền và cộng đồng trong việc dẹp nạn ăn xin đường phố

Chiều 18-6, ngay chân cầu Ông Lãnh (quận 1, TP HCM), 2 người đàn ông khuyết tật, da sạm nắng, ngả lưng dựa lan can dạ cầu nghỉ ngơi bên cạnh chiếc xe lăn, bất chấp dòng xe ngược xuôi. Trò chuyện với chúng tôi, họ cho biết không có nơi ở ổn định nên chọn đường phố là nhà.

Đâu cũng thấy

Tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (quận 5), một phụ nữ ôm con nhỏ ngồi ở cột đèn giao thông chìa nón lá xin tiền người đi đường. Thương đứa trẻ phơi mặt giữa nắng, bụi, một số người đi đường động lòng đã cho tiền.

Giữa trưa, tại Công viên 23 Tháng 9 (quận 1), nhiều người ngồi vật vờ trên ghế đá, ra vẻ chẳng bận tâm xung quanh. Thế nhưng, khi chúng tôi tiến lại gần, một phụ nữ ngồi cạnh chiếc ba lô cũ kỹ liền than thở: "Anh ơi, em ở quê mới lên, bị lừa mất sạch tiền. Con em bị bệnh không có tiền mua thuốc…".

Xuôi dọc đại lộ Võ Văn Kiệt theo hướng nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đến điểm giao giữa đường Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1), hay đường Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh người lang thang nằm ngủ trên vỉa hè, người ăn xin ôm theo một đứa trẻ hoặc người khuyết tật bò lết trên đường xin tiền với vẻ mặt nhăn nhó tội nghiệp khiến không ít người thương xót.

Đặc biệt dưới chân cầu vượt Cát Lái, giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân hằng đêm có những đứa trẻ từ 5-15 tuổi được người lớn đưa đi thổi lửa, xin tiền.

Nhiều người lang thang chọn dạ cầu làm nhà

Nhiều người lang thang chọn dạ cầu làm nhà

Cần có chiến lược bài bản

Từ ngày 16-6 đến 15-7, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP HCM phối hợp cùng Công an quận 1 và các đơn vị ra quân phối hợp xử lý các trường hợp tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng, không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn.

Báo cáo tại lễ ra quân, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết từ tháng 3-2023 đến nay, có 1.566 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn được phát hiện đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc. Dù vậy, vẫn xuất hiện nhiều trường hợp gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch, mỹ quan đô thị.

Theo kế hoạch của Phòng PC06, đơn vị nghiệp vụ thống nhất chọn phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đại diện cho 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM sẽ có kế hoạch phối hợp với những phường, xã, thị trấn khác thành lập các tổ công tác, phối hợp triển khai xử lý tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn.

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, nhận định những năm qua, thành phố quan tâm và nhiều lần ra quân giải quyết tình trạng người ăn xin, người lang thang trên địa bàn.

Tuy nhiên, sau một thời gian, tình trạng người ăn xin giả dạng người bệnh, người bán vé số, bán kẹo… hay các đối tượng lợi dụng trẻ em để ăn xin, người khuyết tật và người cao tuổi bán tăm bông vẫn tái diễn.

"Làm sao để không tái diễn nạn chăn dắt ăn xin, người lang thang, nhất là với một thành phố đông dân cư như TP HCM?

Đó là câu hỏi đau đáu không chỉ của chính quyền mà còn là của người dân thành phố. Theo tôi, cần quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tại địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng trên.

Chính quyền cần hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho những người chưa có nơi ở ổn định, không tìm được việc làm phù hợp để mưu sinh.

Ngoài ra, mỗi người dân không nên cho tiền, phát quà từ thiện cho người ăn xin, người có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố. Tòa án nên đưa ra xét xử công khai một số đối tượng bảo kê, chăn dắt người lang thang, xin ăn để trục lợi" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nói.

PGS-TS Trương Văn Vỹ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), nhìn nhận đây là vấn đề xã hội lớn của thành phố mà một lần ra quân khó có thể xử lý được. Cần có một chiến lược bài bản, quy củ và thực hiện liên tục, thường xuyên. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp hệ thống, đồng bộ và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng trẻ em, người khuyết tật để trục lợi.

Mời tham gia diễn đàn

Nạn chăn dắt ăn xin trên đường phố từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây mất mỹ quan đô thị. Các đợt ra quân của cơ quan chức năng chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Để xây dựng một xã hội văn minh, phát triển, cần có giải pháp căn cơ hơn để đẩy lùi nạn chăn dắt ăn xin một cách hiệu quả.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Dẹp nạn chăn dắt ăn xin", đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Bài viết gửi về địa chỉ: bandoc@nld.com.vn.

Bài và ảnh: Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dep-nan-chan-dat-an-xin-can-lien-tuc-bai-ban-196240618214739665.htm