Dẻo thơm bánh tẻ Phú Nhi

Chỉ từ những nguyên liệu hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày như: Bột gạo, thịt lợn, nấm hương và mộc nhĩ được gói trong lá chuối hoặc lá dong, chiếc bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội) nức tiếng gần xa vì hương vị thơm ngon dân giã và mộc mạc.

Để làm nên chiếc bánh ngon, người thợ phải chuẩn bị nhiều công đoạn và tỉ mỉ trong suốt thời gian làm. Trong đó, muốn cho bánh trắng phải chọn được gạo ngon thơm tự nhiên. Tùy theo thời tiết mà ngâm gạo, nếu trời nóng thì ngâm gạo khoảng 2 ngày, trời lạnh ngâm lâu hơn để bánh không bị cứng rồi xay thành bột. Sau đó, phải đun bột cho đặc lại, có độ dính như keo, vừa đun vừa quấy đều cho bột mềm, mịn, tránh vón cục. Đặc biệt, bột không được chín hoặc khê, công đoạn này người ta gọi là “ráo bột”. Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh. Bánh có ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được ráo. Phú Nhi có bí quyết riêng trong khâu ráo bột nên bánh tẻ ở đây luôn có hương vị độc đáo.

Bánh tẻ trở thành món ăn đặc sản, dân giã

Tiếp đến là công đoạn làm nhân. Nhân bánh tẻ không quá phức tạp nhưng cũng cần có kinh nghiệm. Chọn thịt ba chỉ ngon thái nhỏ, hành khô bóc vỏ băm nhuyễn, mộc nhĩ ngâm nước cho nở rồi thái chỉ. Tất cả ướp gia vị và hạt tiêu cho thơm, khi hỗn hợp đã ngấm thì cho lên bếp xào chín.

Bánh ngon hay không một phần nhờ chất lượng của bột

Cuối cùng là gói bánh. Lá dong và lá chuối rửa sạch, cho bột lên lớp lá dong rồi thêm nhân vào giữa, cuốn lá dong lại, cuốn lá chuối ngoài cùng ôm lấy lá dong và bánh tẻ bên trong. Cố định bánh bằng dây lạt hoặc dây chuối khô rồi hấp, sau 30 phút là chín một mẻ bánh.

Gói bánh bằng lá dong hoặc lá chuối

Nhờ có bánh tẻ nhiều người dân có thu nhập ổn định

Bánh tẻ ngon nhất là ăn lúc nóng. Bóc phần lá ra, chiếc bánh vẫn còn nóng hổi, hiện ra trắng ngần với mùi thơm dung dị từ lá dong, bột gạo nấu chín ôm phần nhân mỡ màng, khiến ai đã thưởng thức khó lòng quên được.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/deo-thom-banh-te-phu-nhi-118166.html