Đến trường từ 'Trang mới cuộc đời'

Tại TP Hồ Chí Minh, sáu năm qua, dự án 'Trang mới cuộc đời' đã mang lại cơ hội cấp giấy khai sinh để nhiều em nhỏ được đi học và thụ hưởng dịch vụ bảo hiểm y tế chăm sóc cộng đồng.

Đến trường từ “Trang mới cuộc đời”

Bài & ảnh: NHUNG DUY

Thứ Hai, 17-08-2020, 14:34

+ | Print

Tại TP Hồ Chí Minh, sáu năm qua, dự án “Trang mới cuộc đời” đã mang lại cơ hội cấp giấy khai sinh để nhiều em nhỏ được đi học và thụ hưởng dịch vụ bảo hiểm y tế chăm sóc cộng đồng.

1. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, năm 2017 trên địa bàn thành phố có khoảng 1,5 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 75 nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 350 nghìn trẻ sống trong các hộ nhập cư, di biến động, hộ nghèo và 1.450 trẻ em lang thang. Hàng nghìn trẻ trong số đó không có giấy tờ tùy thân, đối mặt tương lai đầy khó khăn mà nguyên nhân khởi nguồn từ tờ giấy khai sinh.

Nơi ở của gia đình bà Nguyễn Thị Lan tại quận 8, TP Hồ Chí Minh, căn phòng trọ vỏn vẹn hơn 10 m², vợ chồng bà và cháu ngoại Nguyễn Lâm Phong sinh sống. Từ khi vừa tròn một tháng tuổi, cháu Lâm Phong đã phải sống trong cảnh không cha, không mẹ. Cháu được ông bà ngoại chăm sóc. Vì nhà nghèo, ông bà lại tuổi cao sức yếu, mọi sinh hoạt của gia đình chỉ dựa vào tiền công dán giấy hàng mã và bóc tỏi thuê. Cũng chính vì hoàn cảnh khó khăn, lại không am hiểu pháp luật, mãi đến năm sáu tuổi, Phong vẫn chưa được làm giấy khai sinh. Thay vì được đến trường, em phải tự học và vui chơi trong căn phòng trọ chật hẹp.

2. Thấu hiểu được cuộc sống khó khăn là thế, hơn sáu năm qua các thành viên dự án “Trang mới cuộc đời” của Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) đã rất cố gắng tìm kiếm, vận động các gia đình nhập cư, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tư vấn và giúp đỡ họ, cùng nhau thực hiện những thủ tục và giấy tờ cần thiết nhằm hoàn thiện giấy khai sinh cho các em trong thời gian sớm nhất để các em có điều kiện đến trường như bao đứa trẻ khác.

Sau bao năm chờ đợi, giờ đây cháu Lâm Phong đã có giấy khai sinh, chuẩn bị nộp hồ sơ đi học. Bà Nguyễn Thị Lan xúc động: “Nhận được tờ giấy khai sinh tôi mừng lắm, không thể nào tả được hết, bây giờ tôi chỉ biết ráng làm để có tiền chút đỉnh rồi xin cho cháu đi học”.

Mỗi em nhỏ đều mang trong mình những ước mơ riêng về tương lai tươi sáng, nhưng để thực hiện được ước mơ thì điều đầu tiên các em phải tiếp tục được cắp sách đến trường. Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ: Dự án mong mở ra cơ hội mới, một trang mới cuộc đời cho trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để các em có thể có được quyền căn bản của bản thân. Trên cơ sở đó các em mới có thể được đi học, được hưởng các quyền lợi mà bất kỳ một trẻ em nào khác có quyền được hưởng. Và các em có thể thực hiện được ước mơ của mình, trở thành những người công dân tự phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.

3. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng hơn 500 trẻ em chưa có giấy khai sinh. Đa phần đều là trẻ em sống trong các hộ nhập cư, di biến động, hộ nghèo. Dự án “Trang mới cuộc đời” sẽ tiếp tục được triển khai để mở ra những nút thắt mà các quy định pháp luật chưa thể tính hết được, mở ra những hy vọng mới cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Cần sự nỗ lực, phối hợp của những cơ quan nhà nước và sự quan tâm của chính các gia đình. Vì có nhiều gia đình khó khăn, phải sống di cư”.

Từ không nhân thân, không giấy tờ tùy thân, giờ đây các em chính thức được pháp luật công nhận với những cái tên đẹp đẽ do chính ông bà, các thầy, cô đặt cho. Và cũng từ đây, hành trình cuộc đời của các em đã được mở sang một trang mới tốt đẹp hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-vande/den-truong-tu-trang-moi-cuoc-doi-613214/