Đến Nha Trang trải nghiệm làm gốm

Không khí tất bật những ngày cận Tết dường như bị bỏ lại bên ngoài khi bước vào "thế giới của gốm". Dịch vụ làm gốm thủ công ở một số nơi tại TP. Nha Trang cuốn hút người dân, du khách bởi họ được tự tay tạo ra nhiều đồ vật từ đất...

Trải nghiệm thú vị

Chiều cuối năm, tại gian hàng Yên Pottery - Workshop gốm thủ công Nha Trang ở AB Central Square (44 Trần Phú), trong tiếng nhạc dặt dìu, tiếng nước chảy róc rách từ dụng cụ tưới nước tuần hoàn, 5 - 6 vị khách lớn, nhỏ say sưa chuốt gốm (tạo hình đồ gốm), đẽo gọt xương gốm và trang trí hoa văn lên gốm. Ly uống nước, đĩa, chén, bình hoa… dần thành hình trong ánh mắt hài lòng của các tác giả. Khoảng 3 - 4 giờ qua rất nhanh với các "thợ tập sự". Làng nghề Trường Sơn (số 6 đường Trường Sơn, phường Phước Long) lại đón khách làm gốm với không gian xanh mát, rực rỡ sắc xuân. Tự tay làm gốm với sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân là một trong những lý do khiến bước chân du khách nấn ná lâu hơn tại đây. Trải nghiệm làm gốm thủ công cũng được một số trường học thử nghiệm trong các tiết ngoại khóa…

Nhiều du khách say mê làm gốm thủ công tại Yên Pottery.

Vừa tập trung tạo hình chiếc ly uống nước, anh Danylo (Ukraina) phấn khởi chia sẻ: "Tôi rất thích đồ vật mà tôi tự làm này. Tôi cảm nhận rõ rệt được về chất liệu, sức nặng cũng như phản ứng của chất liệu này từ tay mình nên rất ấn tượng. Trải nghiệm làm gốm cho tôi cảm giác rất thoải mái, dễ chịu. Từ nay, ký ức về Việt Nam của tôi sẽ có thêm nghề làm gốm...". Còn chị Bùi Hồng Vân (TP. Hải Phòng) nhận xét sau khi tự làm một bình hoa bằng đất: “Dù đã được nhân viên "cầm tay chỉ việc", nhưng tôi vẫn không tạo được dáng bình như mong muốn. Làm gốm thật không đơn giản chút nào!”. Một số du khách cho rằng, trải nghiệm làm gốm giúp họ có cơ hội tìm hiểu về các nguyên liệu, dụng cụ, kỹ năng làm gốm cơ bản trên bàn xoay máy, bàn xoay tay; quan trọng hơn là được “chạm vào đất", giúp họ giảm stress, cải thiện khả năng tập trung, các kỹ năng vận động; rèn tính kiên nhẫn, tỉ mỉ; đồng thời lại có được sản phẩm do chính mình làm ra.

Trải nghiệm làm gốm thủ công cuốn hút từ du khách nước ngoài…

…đến trẻ em.

Những trải nghiệm thú vị cũng là sức hút khiến chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (25 tuổi), vốn là sinh viên ngành du lịch, trở thành nhân viên hướng dẫn làm gốm tại Yên Pottery. Chị đã tham gia học và có thời gian hướng dẫn làm gốm tại một workshop ở TP. Hồ Chí Minh trước khi về Nha Trang làm việc. "Vài khách hàng tâm sự, không ngờ làm gốm khó vậy, nhưng càng khó, họ càng cố làm", chị Tâm kể. Còn chị Phạm Kỳ Thanh Phương (phường Phước Hải) cũng gắn bó với nghề hướng dẫn làm gốm do yêu thích những công việc thủ công, đòi hỏi sáng tạo. Chị từng tham gia nhiều workshop vẽ tranh, làm hoa giấy, hoa kẽm, móc len, viết thư pháp… và được chuyên gia có kinh nghiệm làm gốm tập huấn.

Góp phần giới thiệu nghề làm gốm

Khác với một số trải nghiệm khác, làm gốm thủ công cần thời gian chờ đợi nhất định mới có được thành phẩm, bởi ngoài công đoạn thấu đất (làm đất) đã được dịch vụ chuẩn bị sẵn, khách phải tự nặn đất trên bàn xoay, tạo hình, gọt giũa, vẽ màu trang trí… với sự hướng dẫn của nhân viên, sau đó gửi lại xưởng gốm ở cơ sở để chờ khô mới đem đi tráng men và nung rồi chuyển về địa chỉ khách yêu cầu hoặc tự tới nhận. Từ khi tạo hình đến khi thành phẩm thường mất khoảng 3 tuần. Nhưng với người dân, du khách, được tham gia ở 2 công đoạn đã là trải nghiệm cuốn hút quên thời gian.

Trang trí dưới men cũng là khâu cuốn hút.

Anh Nguyễn Phong Thịnh, chủ gian hàng Yên Pottery cho biết, anh mở gian hàng từ giữa năm 2023. Để có thể hướng dẫn khách hàng, anh đã cho người vào làng gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) học từng công đoạn làm gốm, sau đó về tập huấn cho các nhân viên. Với 3 nhân viên hướng dẫn, gian hàng có thể phục vụ tối đa 10 - 15 khách/lượt. Từ khi khai trương đến nay, gian hàng đã đón khoảng 300 - 400 lượt khách. Nhiều người, khi nhận được thành phẩm, đã rất ngỡ ngàng, thích thú vì sản phẩm sau nung óng ả hơn, màu sắc hoa văn tươi tắn, sắc sảo hơn. "Khánh Hòa vốn có làng nghề gốm Lư Cấm nổi tiếng, nhưng thị hiếu xã hội thay đổi, sản phẩm gốm thủ công dần ít được ưa chuộng nên nghề truyền thống này có phần mai một. Ngoài mục đính chính mang lại một không gian thư giãn để khách hàng có thể thỏa sức sáng tạo, tôi cũng mong muốn góp phần giúp mọi người hiểu thêm về nghề làm gốm thủ công của Khánh Hòa", anh Thịnh nói.

Khách hàng được nhân viên hỗ trợ chuốt gốm.

Hỗ trợ sấy cho xương gốm nhanh khô hơn.

Một số thành phẩm của khách hàng tại Yên Pottery.

Với người dân, du khách, việc cùng bạn bè, người thân trò chuyện, "lấm lem" với đất để tạo ra những đồ vật "không đụng hàng" chính là những phút giây thư giãn thoải mái đáng nhớ ngay trong dịp Tết.

NGUYỄN THIỀU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202402/den-nha-trang-trai-nghiem-lam-gom-be4339a/