Đề xuất tính học phí đại học công lập theo thu nhập bình quân đầu người

Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học phí đại học công lập được xác định theo phần trăm mức thu nhập bình quân đầu người do Chính phủ quy định.

Phụ huynh và tân sinh viên nộp học phí tại Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: HUIT

Phụ huynh và tân sinh viên nộp học phí tại Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: HUIT

Ngày 29/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đề xuất một số định hướng sửa đổi Luật Giáo dục đại học, trong đó có cách tính học phí.

Theo đó, các trường đại học được tự chủ về học phí dựa trên chất lượng đào tạo. Học phí trường công được xác định theo phần trăm mức thu nhập bình quân đầu người do Chính phủ quy định. Luật Giá sẽ được điều chỉnh để bảo đảm thống nhất học phí giữa trường công và tư.

Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 4.700 USD (120 triệu đồng).

Hiện học phí đại học công căn cứ lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo, theo Nghị định 81 của Chính phủ. Nhà nước đưa ra trần học phí theo khối ngành và từng năm học, các trường không được vượt. Với những chương trình đã kiểm định chất lượng, trường đại học được tự xác định học phí.

Theo thống kê, học phí đại học năm nay từ 10,6 - 250 triệu đồng/năm, mức phổ biến là 20 - 40 triệu đồng (không tính các chương trình liên kết quốc tế).

Ngoài ra, bộ cho biết khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng cho người học, trong đó ưu tiên sinh viên ngành nghề mũi nhọn, vùng khó khăn, yếu thế.

Các trường đại học được Nhà nước đầu tư căn cứ theo tiêu chí cụ thể, có thể lượng hóa để bảo đảm hiệu quả. Bộ đề xuất các trường được miễn thuế đất, không cần đóng tiền sử dụng đất; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho trường không vì lợi nhuận. Nhóm trường tư được xem xét miễn hoặc ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư.

Nhà chức trách cũng dự kiến hoàn thiện cơ chế liên thông; quy định hợp tác, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế; cơ chế tài chính đặc thù cho trường trọng điểm, vùng khó khăn; bổ sung khung pháp lý cho chuyên gia, giảng viên nước ngoài đến giảng dạy; trao quyền cho trường trong hoạt động khoa học công nghệ...

Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua năm 2012, từng được sửa đổi, bổ sung vào năm 2018. Lý giải về việc tiếp tục sửa đổi luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng công tác quản lý giáo dục đại học còn phân mảnh, gây chồng chéo, giảm hiệu lực. Cả nước có 197 trường đại học công lập nhưng có đến 60 cơ quan quản lý.

Mặt khác, khi thực hiện tự chủ, các trường thiếu công cụ quản trị nội bộ hiệu quả và hệ thống kiểm soát, giải trình tương ứng. Các quy định về quản lý tài chính, tài sản chưa cụ thể, gây khó khăn cho nhóm trường công lập khi thực hiện. Hành lang pháp lý chưa đầy đủ cho chuyển đổi số, giáo dục mở, công nhận tín chỉ xuyên hệ thống; kết nối giữa các đại học và doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo bộ, Luật Giáo dục đại học được sửa đổi theo nguyên tắc khắc phục vướng mắc nói trên, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học.

TB (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/de-xuat-tinh-hoc-phi-dai-hoc-cong-lap-theo-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-408367.html