Đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa: Phải hài hòa lợi ích các bên
Sau khi tham khảo nhu cầu của người lao động, chủ doanh nghiệp, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 (dự thảo lần 5), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ lên 400 giờ/năm. Song, làm thế nào để vừa hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, vừa bảo đảm quyền lợi người lao động là bài toán đang được đặt ra.
Đề xuất tăng giờ làm thêm cần bảo đảm quyền lợi của người lao động. Ảnh: Linh Ngọc
So với dự thảo ban hành trước đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 (dự thảo lần 5) vẫn giữ nguyên quan điểm mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm (theo luật hiện hành) lên 400 giờ/năm. Song, dự thảo nêu cụ thể: Chỉ các trường hợp sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện - điện tử, cấp - thoát nước; hay khi giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ hoặc phát sinh yếu tố khách quan không dự liệu trước được như thiên tai, hỏa hoạn; thiếu điện… mới được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 400 giờ/năm.
Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế hơn trong quan hệ lao động, cơ quan soạn thảo đề xuất người sử dụng lao động chỉ được sử dụng nhân viên làm thêm giờ khi nhận được sự đồng ý của họ. Đồng thời, trả lương đãi ngộ lũy tiến vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho 2 giờ đầu, 165% cho giờ thứ 3 và 180% cho giờ làm thêm thứ 4. Chế độ làm thêm vào nghỉ lễ, Tết, người sử dụng lao động sẽ phải trả ở mức cao gấp đôi...
Nói về đề xuất này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó bởi không ít đơn hàng xuất khẩu bị lỡ do không thể huy động được lao động làm thêm. Vì nếu cơ quan kiểm toán tiến hành thanh tra, kiểm tra, đương nhiên doanh nghiệp sẽ bị cho là làm trái.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànôịmới, mong muốn tăng giờ làm để có thêm thu nhập là suy nghĩ của không ít người lao động, nhất là lao động giản đơn. Theo bà Giàng Thị Chín - nhân viên vệ sinh Hợp tác xã Quản lý và Cung cấp dịch vụ nhà ở Thụy Điển (Hà Nội), càng dịp lễ, Tết, dịch vụ dọn dẹp, trông xe ô tô, trực sảnh chung cư càng đắt khách. Đơn vị quản lý thường không muốn tuyển dụng bảo vệ và nhân viên quét dọn thời vụ vì phải đào tạo lại, tốn thời gian và công sức. Còn một bộ phận lao động lại muốn làm thêm để có thu nhập tốt hơn.
“Tôi thường về quê ngày thường, còn ngày lễ, Tết làm tăng cường ở Hà Nội thì sẽ có lương, thưởng cao. Theo dự thảo luật, người lao động tự nguyện tham gia chứ không bị bắt buộc làm thêm giờ nên theo tôi hoàn toàn hợp lý” - bà Chín nói.
Điều đáng lưu ý là, dù đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ giúp doanh nghiệp tăng sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp người lao động nâng cao thu nhập, song cũng có ý kiến về việc mở rộng khung làm thêm giờ là đi ngược lại tiến bộ xã hội... Ngoài ra, bà Dương Thị Mai (phường Thành Công, quận Ba Đình) nêu quan điểm, sức người có hạn nên dự thảo cần có quy định một số việc như lái xe đường dài, lái máy bay, lái xe buýt... không làm thêm giờ vì có thể gây nguy hiểm cho xã hội.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm phải cân đối đưa ra mức nào đó để không chỉ giám sát việc triển khai, giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp mà còn bảo đảm quyền lợi cũng như sức khỏe của lao động đối với ngành nghề đặc thù... Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2019.