Đề xuất khống chế thời hạn giấy phép liên vận giữa Việt Nam - Lào
Bộ Giao thông vận tải đề xuất thời hạn giấy phép liên vận giữa Việt Nam - Lào đối với xe chở khách theo hợp đồng, du lịch không vượt quá 30 ngày, thay vì có thời hạn tối đa 1 năm như hiện nay
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô, dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe.
Tại Nghị định này, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về giấy phép vận tải đường bộ quốc tế và giấy phép liên vận đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng và xe vận tải khách du lịch.
Theo đó, giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Lào của loại hình này sẽ được cấp theo thời hạn chuyến đi hoặc thời gian của chuyến du lịch nhưng không vượt quá 30 ngày.
Ngoài ra cũng bổ sung quy định về giấy phép liên vận cấp cho phương tiện phi thương mại (trừ những loại phương tiện được miễn giấy phép theo quy định tại các Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và các nước Lào, Campuchia) có thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp.
Riêng thời hạn giấy phép liên vận cấp cho phương tiện đi công vụ, phương tiện của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế có thể có theo thời gian của chuyến đi nhưng không vượt quá 1 năm.
Đối với vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia, giấy phép liên vận cấp cho phương tiện phi thương mại được phép đi lại một lần và có thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày cấp.
Theo Điều 5 Nghị định 119/2021/NĐ-CP, giấy phép liên vận cấp cho phương tiện thương mại (phương tiện dùng để vận chuyển hàng hóa, hành khách vì mục đích thương mại) được phép đi lại nhiều lần, mỗi lần không quá 30 ngày và có thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp.
Bộ GTVT cho biết việc sửa đổi này nhằm thực hiện theo đúng Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ GTVT cũng đề xuất thực hiện thu hồi giấy phép liên vận của những phương tiện không hoạt động trong thời gian 2 tháng kể từ ngày được cấp thay vì 3 tháng như trước đây để cấp cho phương tiện cho nhu cầu.
Ngoài ra, bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi giấy phép liên vận khi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện bị cơ quan có thẩm quyền tước hoặc thu hồi. Theo Bộ GTVT, phương tiện bị tước hoặc thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì không được phép kinh doanh vận tải.
Tại quy định về cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc loại D cho phương tiện của Trung Quốc, dự thảo đề xuất thực hiện phân cấp cho Sở GTVT các tỉnh có cửa khẩu thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt - Trung cấp giấy phép vận tải loại D nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải của Trung Quốc trong việc đề nghị cấp giấy phép vận tải này.
Theo đó, các Sở GTVT có thẩm quyền cấp giấy phép vận tải loại D gồm: Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai, căn cứ theo tuyến đường vận chuyển, hành trình các điểm được phép dừng đỗ và các cặp cửa khẩu thuộc địa phận quản lý.
Bên cạnh đó, việc cấp, cấp lại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào cũng được phân cấp triệt để cho Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng các tỉnh, thành phố.
Hiện nay, bên cạnh các Sở GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam vẫn là cơ quan cấp giấy phép vận tải này.