Đề xuất cấm tuyển dụng lao động dưới 13 tuổi
Việc sử dụng người dưới 13 tuổi vào làm việc chỉ áp dụng với công việc nghệ thuật, thể thao nhưng phải xin phép...
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn những nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vừa tổ chức.
Ông Ngô Hoàng, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, dự thảo lần này mở rộng việc nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động trên thực tế; sửa đổi thuật ngữ người lao động, người lao động không có quan hệ lao động, lao động chưa thành niên.
Đồng thời, bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên theo hướng lao động chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi); bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi (người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi; người chưa đủ 13 tuổi).
Tại Điều 145 của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định về việc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật và được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi. Đồng thời, phải có giấy khám sức khỏe xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động...
Đối với lao động từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi, dự thảo quy định chỉ được tuyển dụng vào các công việc nhẹ do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.
Ngoài ra, người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người lao động chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Điều 147 dự thảo cũng quy định cụ thể các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
Theo đó, công việc bị cấm gồm: mang, vác các vật nặng vượt quá thể trạng; sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc các chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ…
Góp ý về nội dung trên, ông Trần Văn Tiến, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nếu đã cho phép sử dụng lao động từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi tham gia lao động thì phải đặt ra vấn đề quản lý.
"Nhóm lao động này hầu hết không có hợp đồng lao động, vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý và có thì bằng cách nào, nếu không sẽ rất dẫn đến việc sử dụng vô tội vạ. Lao động nhóm này sẽ rất dễ bị bóc lột và chịu thiệt thòi", ông Tiến nêu câu hỏi và nhấn mạnh nếu không quản lý được thì khuyến cáo không nên sử dụng lao động độ tuổi dưới 15.
Trong khi đó, cho ý kiến về việc sử dụng lao động 13 tuổi trong các công việc nghệ thuật phải xin phép, ông Nguyễn Văn Tráng, đại diện đến từ Bộ Công an cho rằng không nên để tỉnh cấp phép mà nên chuyển xuống cấp thấp hơn. "Việc xin cấp phép ở cấp tỉnh sẽ rất phiền hà, rườm rà thủ tục hành chính. Nếu ở Hà Nội hay các thành phố lớn còn dễ nhưng ở các vùng sâu, vùng xa, việc đi lên tỉnh để xin phép đã là rất khó khăn", ông Tráng nêu quan điểm.
Ở góc độ sử dụng lao động, bà Thạch Bích Hợp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) bày tỏ lo ngại với những công việc bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên tại Điều 147 dự thảo là rất khó cho doanh nghiệp trong việc thực thi.
Theo bà Hợp, doanh nghiệp luôn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong chuỗi cung ứng, chỉ một vi phạm thì đơn hàng đã bị ảnh hưởng. Do đó, bà Hợp kiến nghị luật cần cụ thể hóa hơn, cũng như có thông tư hướng dẫn.