Đề xuất bổ sung Chánh án, Viện trưởng VKSNDTC vào 'đối tượng cảnh vệ'

Thường trực UBQPAN nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tiếp tục phiên họp thứ 30, chiều 22/2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cảnh vệ.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Qua 5 triển khai thi hành Luật xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. Cụ thể:

Về đối tượng cảnh vệ, ông Hùng cho biết, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác định là Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Đối với nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng Cảnh vệ.

Về biện pháp, chế độ cảnh vệ, ông Hùng nhấn mạnh, Điều 11 và Điều 12 Luật Cảnh vệ không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng Cảnh vệ phải thực hiện.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ, Điều 6 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định: "(1) Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. (2) Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ". Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu cần có chính sách quy định đặc thù để đẩy mạnh xây dựng lực lượng Cảnh vệ. Do đó cần thiết giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Ông Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ. Dự thảo Luật gồm 02 Điều, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Điều 2: Hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về sự cần thiết ban hành Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong thời gian gần đây, nhất là thể chế Nghị quyết số 12 và Kết luận số 35 của Bộ Chính trị; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như: Sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát toàn diện Luật Cảnh vệ hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để bảo đảm đầy đủ địa bàn của công tác cảnh vệ.

Về bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được xác định trong Kết luận số 35 của Bộ Chính trị. Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/de-xuat-bo-sung-chanh-an-vien-truong-vksndtc-vao-doi-tuong-canh-ve-a650788.html