Để tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Thành phố Hà Nội phấn đấu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế đến 94,5% dân số, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào cuối năm 2024. Để hoàn thành, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa chính sách vào đời sống.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Điểm tựa an sinh vững chắc

Các chính sách an sinh đi vào đời sống như thế nào, lan tỏa ra sao thể hiện rõ nhất ở số người tham gia, hưởng lợi. Ở góc độ này, bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột, giá đỡ an sinh vững chắc của nhân dân Thủ đô. Đến cuối năm 2023 vừa qua, bảo hiểm y tế bao phủ 94% dân số, tương ứng với xấp xỉ 8 triệu người dân Thủ đô có tấm thẻ an sinh.

Số người hưởng lợi từ chính sách ngày càng mở rộng, mức hưởng ngày một tăng. Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, riêng năm vừa qua, các cơ sở y tế có hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho hơn 12,6 triệu lượt bệnh nhân bảo hiểm y tế, với tổng số tiền chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 22.536 tỷ đồng. Mức chi bình quân gần 611.000đồng/ đợt điều trị ngoại trú và hơn 7,82 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. So với năm 2022, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở Hà Nội tăng 16,7%, chi phí tăng 15%.

Nhờ được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh, người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Không ít trường hợp mắc trọng bệnh, cần điều trị trong thời gian dài, sử dụng thuốc đắt đỏ, dịch vụ kỹ thuật cao còn được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm. Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân nhi T.M.Đ, mã thẻ TE1242422400323, điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương với bệnh tích lũy glycogen, bệnh Pompe được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị gần 3,36 tỷ đồng trong năm 2023.

Cùng với kết quả đạt được, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám cho biết, bảo hiểm y tế hiện chưa bao phủ kín đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia là học sinh, sinh viên. Bảo hiểm y tế hộ gia đình chưa đến với 100% thành viên. Công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn một số bất cập. Dễ nhận thấy là số bệnh nhân đăng ký ban đầu và đến khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở chưa cao, trong khi tuyến trung ương, tuyến thành phố gia tăng. Tình trạng các bệnh viện tuyến thành phố và trung ương đang điều trị các bệnh lý thông thường, quản lý điều trị các bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm chưa có biến chứng, mà cơ sở tuyến dưới vẫn đáp ứng tốt nhu cầu điều trị vẫn còn phổ biến...

Tiếp tục mở rộng diện bao phủ

Góp phần củng cố vững chắc hơn điểm tựa an sinh cho nhân dân, năm 2024 và những năm tiếp theo, cả hệ thống chính trị trên địa bàn Hà Nội vào cuộc đưa bảo hiểm y tế tiếp tục mở rộng diện bao phủ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt.

Giải pháp trọng tâm được triển khai là tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt của bảo hiểm y tế đến đông đảo người dân, để mỗi người thấy rõ sự cần thiết mà chủ động tham gia. Theo hướng này, ngay trong tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho hàng trăm người làm công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình ở cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt đưa bảo hiểm y tế tiếp tục lan tỏa, thấm sâu đến từng người dân, từng gia đình.

Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định, các cơ quan chức năng có phương án đưa họ vào hệ thống an sinh. Nổi bật là chính sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho nhiều trường hợp thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ thêm 30% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo..., ngoài mức hỗ trợ của Trung ương tiếp tục được triển khai. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên thành phố hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi (quy định chung hỗ trợ cho người từ 80 tuổi trở lên); đồng thời hỗ trợ cho người khuyết tật nhẹ, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp...

Giải pháp khác được chú trọng thực hiện là bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Theo hướng này, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 190 cơ sở y tế cùng với hơn 600 điểm khám, chữa bệnh và kết nối liên thông dữ liệu, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia. “Hiện nay, chúng tôi chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chíp hoặc điện thoại thông minh là có thể tiến hành khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở nhiều cơ sở rất tiện ích”, chị Nguyễn Thị Thanh, thôn La Phẩm, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) cho hay.

Không chỉ cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, các cơ quan chức năng còn chú trọng kiểm soát Quỹ Bảo hiểm y tế. “Năm 2024, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các đơn vị liên quan phối hợp quản lý chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phòng chống lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ, bảo đảm chi phí bình quân điều trị thấp hơn so với năm 2023, cân đối trong dự toán Thủ tướng Chính phủ giao”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến nhấn mạnh.

Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, hy vọng mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân (bao phủ từ 95% dân số trở lên) của thành phố Hà Nội trong năm 2024 sớm trở thành hiện thực.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-tiem-can-muc-tieu-bao-hiem-y-te-toan-dan-657603.html