Đề thi MYTS của Hội Toán học Việt Nam 'sao chép' đề thi quốc tế

Kỳ 5: Lãnh đạo Hội Toán học Việt Nam 'vô tình' với khoa học và trách nhiệm thế nào?

Như Báo đã đăng tải 4 kỳ trước đó với tựa đề “Lạ lùng đề thi MYTS của Hội Toán học Việt Nam giống nhiều đề thi quốc tế”; “Giải mã MYTS 2016 giống lạ lùng APMOPS 2015”, “Từ việc MYTS 2016 giống lạ APMOPS 2015, Hội Toán học phải làm gì?” và “Hội Toán học Việt Nam “im lặng” để tiếp tục giống lạ trong đề thi MYTS 2017 từ APMOPS 2005”…Những bài báo trên nhận được sự đồng tình cao của giới khoa học cũng như dư luận.

Báo cũng đã đặt lịch và sau rất nhiều cuộc hẹn, rất nhiều thời gian (vì người làm khoa học rất bận, không có thời gian tiếp báo chí – PV) Báo mới có được cuộc trao đổi với PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam. Nơi PGS hẹn gặp trao đổi với phóng viên là văn phòng có biển: Hiệu phó, PGS.TSKH trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Và chúng tôi thực sự bất ngờ với nội dung mà PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho rằng, đó chỉ là sơ suất, chỉ có năm 2016, những năm khác không. Trong khi đó, đề thi MYTS 2017 vẫn “xào nấu”, giống lạ đề thi APMOPS 2005 quốc tế.

Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên với PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh:

PV: Báo phản ánh có sự “giống lạ” giữa đề bài thi toán bóng đá với đề thi quốc tế trước đó 11 năm là đúng hay sai?

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Năm 2016 là năm đầu tiên Hội Toán học Việt Nam tổ chức kỳ thi Tìm kiếm tài năng toán học. Vì là năm đầu tiên nên không loại trừ có sơ xuất của ban đề. Ban đề nhận các đề nguồn, có thể ban đề sơ xuất không tra cứu loại bỏ những đề nguồn bị trùng với các đề thi quốc tế, hoặc có thể dựa trên bài đấy xây dựng các đề bài mới. Cũng nói thêm, các đề thi tùy mức độ trình độ thời điểm càng cao mình phải tránh điều đó, năm 2016 tổ chức kỳ thi đầu tiên không thể tránh khỏi sơ xuất.

Tôi mới bắt đầu đảm nhiệm công việc từ tháng 8/2018, trách nhiệm và thông tin tôi chỉ có thể chịu trách nhiệm từ tháng 8/2018. Cái sơ xuất tôi nghĩ là nó không phải vấn đề chuyện bản quyền, nếu như thế tính sáng tạo sẽ không hay, có bạn sẽ gặp lợi thế, có bạn không do tìm hiểu các đề cũ. Các năm sau, Hội đã nhắc các ban đề là hết sức lưu ý.

PV: Vậy, đề các năm khác có trùng và “xào nấu” không, thưa PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh?

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Có đúng 1 đề đấy thôi, mà bài đấy cũng không giống hoàn toàn câu chữ.

PV: Đề nguồn giống như thế nào thì cho rằng là không vi phạm bản quyền, không sáng tạo, theo PGS.TSKH, ban đề lấy đề từ đâu để cung cấp cho Hội? Hội có giám sát việc này không?

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Vì là năm 2016, tôi không biết, cũng không quan tâm là cái đề nguồn ai cung cấp. Họ thường là gửi đến cho Trưởng ban đề, Trưởng ban đề sẽ chọn lọc.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam (Ảnh internet).

PV: Việc các thí sinh đóng 300.000 đồng làm lệ phí thi Tìm kiếm tài năng Toán học được quy định từ đâu?

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Trong quyền hạn và quy chế của Hội được tổ chức các kỳ thi, lệ phí được công khai. Hội là 1 tổ chức nghề nghiệp có tài khoản, có con dấu, việc tổ chức thi nằm trong quy chế của Hội và được Liên hiệp Hội cho phép lấy thu bù chi, có biên nhận, có đóng dấu.

Hẹn lịch phỏng vấn ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nơi PGS.TSKH làm Phó hiệu trưởng.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh!

Báo sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin liên quan đến vụ việc này với sự phân tích của các chuyên gia Toán học.

Linh Nam (thực hiện)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/de-thi-myts-cua-hoi-toan-hoc-viet-nam-sao-chep-de-thi-quoc-te-59954.htm