Đề phòng nguy cơ cháy nổ trong những ngày nắng nóng

Các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có nơi lên đến 44 độ C. Nhu cầu sử dụng các thiết bị điện trong những ngày này tăng cao đột biến dẫn đến nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn ở các khu vực dân cư, nhất là ở những thành phố lớn.

Nhu cầu sử dụng các thiết bị điện trong những ngày nắng nóng tăng cao dẫn đến nguy cơ cháy nổ và hỏa hoạn ở các khu vực dân cư. (Ảnh minh họa)

Nắng nóng kéo dài làm cho nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao dẫn đến hiện tượng quá tải, chập mạch làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ, hỏa hoạn tại các khu vực dân cư, nhất là các tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều vật dụng khô kiệt và dễ bén lửa. Chỉ cần có chập điện hay bụi tro do đun bếp than, củi bay vào là ngọn lửa có thể bùng lên lập tức.

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, có đến gần 70% các vụ cháy xảy ra trên địa bàn Thủ đô nguyên nhân là do chập, cháy về điện. Điều đó cho thấy các vụ cháy với nguyên nhân do sự cố sử dụng điện và chập cháy điện cũng như hệ thống truyền tải điện gây ra các vụ cháy chiếm tỉ lệ rất lớn trong các vụ cháy trên địa bàn Thủ đô trong những năm qua.

Để giảm thiểu các nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn trong những ngày nắng nóng cao điểm, lực lượng chức năng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình cần có những biện pháp phòng chống cháy, nổ để đảm bảo an toàn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa qua khiến 8 người tử vong nguyên nhân được xác định là do chập điện. (Ảnh: S.G)

Theo đó, khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và phòng cháy chữa cháy. Không dùng thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy nổ.

Đồng thời, phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ điện có mức độ an toàn cao tự động ngắt điện chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện công suất lớn.

Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện chung một ổ cắm, không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm; không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.

Không để các chất dễ cháy như mút xốp, giấy, bông, vải, sợi... gần các thiết bị, dụng cụ điện. Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy; không để nhiều đồ dùng dễ cháy nơi đun nấu. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas; khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình cũng cần thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện nhằm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy chữa cháy do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy nổ xảy ra. Mỗi cơ quan, gia đình cần bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lối lên mái nhà…

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình nên sử dụng điện ở mức thấp nhất tránh chập điện do quá tải, đồng thời cần tự trang bị cho mình những kiến thức về phòng cháy chữa cháy để có thể chủ động ứng phó khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Hoàng Thao

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-phong-nguy-co-chay-no-trong-nhung-ngay-nang-nong-post60649.html