Để người dân không phải chịu cảnh lũ hoành hành và 'khát' nước hằng năm
Hiện nay cả nước có khoảng 6.500 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích 11 tỷ mét khối, trong đó có khoảng 560 hồ chứa lớn dung tích trên 3 triệu m3. Các công trình này đang đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, tại Điều 43, mục 3 nêu rõ: Quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa phải bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, phòng, chống lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước cho hạ du và bố trí dung tích để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ của hồ chứa, bao gồm cả dung tích để phòng, chống lũ, an toàn cấp nước trong điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện thời tiết bất thường, biến động về nguồn nước có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh về một số nội dung liên quan đến quy trình vận hành liên hồ chứa và các chính sách pháp luật sắp tới.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, quy trình vận hành liên hồ chứa tại các địa phương đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, việc vận hành theo quy định của quy trình liên hồ, các hồ thời gian qua đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra đối với khu vực hạ du các lưu vực sông lớn và cấp nước an toàn phục vụ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ở hạ du.
Điển hình, trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 và các đợt mưa lũ năm 2021, 2022 vừa qua, cả nước có 11 lưu vực sông vận hành điều tiết theo quy trình liên hồ, với tổng số 134 hồ chứa phải vận hành điều tiết theo quy định của quy trình liên hồ; đồng thời, tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du rất hiệu quả; giảm ngập lụt đáng kể cho hạ du các lưu vực sông. Việc triển khai quy trình vận hành liên hồ chứa giúp cắt giảm đỉnh lũ từ 30-98% tùy từng cơn, đồng thời, cắt giảm tổng lượng lũ từ 30-80% tổng lượng lũ (một số cơn lũ cắt được 85-92%).
Trong mùa cạn, lượng nước tích được đầu mùa cạn của nhiều hồ chứa một số năm là khá nhỏ, chỉ từ 40-75% tùy từng hồ. Đặc biệt, có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 40-80%. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, thống nhất các phương án vận hành nhằm điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ nhưng vẫn cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn.
Cùng với đó, thời gian qua, các địa phương đã thể hiện rõ được vai trò chủ động trong việc vận hành các hồ chứa nhằm đảm bảo hiệu quả việc cắt, giảm lũ và cấp nước an toàn cho khu vực hạ du các lưu vực sông. Cụ thể, để đảm bảo hiệu quả trong việc vận hành các hồ chứa theo quy định, đặc biệt là tính tức thời khi xảy ra mưa lũ, hạn hán thiếu nước, các địa phương đã lập nhóm thường trực với thành phần gồm Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã khu vực hạ lưu các hồ chứa và đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin, số liệu vận hành, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, tình hình mực nước khu vực hạ du.
Trên cơ sở đó, phương án chỉ đạo, vận hành các hồ chứa sẽ được gửi trực tiếp, tức thời đến các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa đảm bảo hiệu quả tối đa trong công tác chỉ đạo điều hành và vận hành.
Thực tế hiện nay, các quy định trong quy trình vận hành hồ chứa thủy điện còn thiếu linh hoạt, gây lãng phí tài nguyên nước, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Việc vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông trong nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực cả về mặt cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du các lưu vực sông. Việc vận hành hồ chứa theo quy định của các quy trình theo hướng đa mục tiêu nhằm bảo đảm yêu cầu sử dụng nước cho hạ du và việc sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện nay, trong cơ cấu nguồn điện, thủy điện chỉ chiếm khoảng 30%. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã tác động đến các nhà máy thủy điện, dẫn đến ảnh hưởng việc vận hành các hồ theo quy định quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc điểm của nguồn năng lượng tái tạo là phát điện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu sơ cấp. Điển hình là việc nhà máy điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày nên để tận dụng khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo, các nhà máy thủy điện sẽ phải vận hành linh hoạt, điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo cân bằng nguồn tải. Tuy nhiên, theo quy định của các quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay, các hồ chứa sẽ vận hành theo khung giờ cố định; do đó, việc huy động vận hành các hồ chứa linh hoạt như trên sẽ ảnh hưởng tới việc tuân thủ quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy trình vận hành liên hồ theo hướng linh hoạt hơn. Ngoài ra, Cục đã tham mưu, đề xuất nội dung trong Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) về cơ chế chính sách quy định các điều kiện để vận hành linh hoạt, hướng tới vận hành các hồ chứa tiệm cận theo thời gian thực, xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định để điều hành, vận hành các hồ chứa.
Vậy ông có thể cho biết những khó khăn, bất cập của quản lý tài nguyên nước các hồ chứa là gì ?
Thực tế cho thấy, việc thực hiện nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nảy sinh một số yếu kém, bất cập cần khẩn trương khắc phục. Theo đó, hiệu quả trong công tác phối hợp còn chưa cao, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa. Vấn đề chia sẻ thông tin, dữ liệu vận hành, khí tượng - thủy văn, phối hợp giữa các địa phương còn chưa hiệu quả. Năng lực các hồ khu vực miền Trung, Tây Nguyên còn hạn chế; chỉ có thể cắt, giảm lũ cho các địa phương ở khu vực hạ du chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết của các hồ, không thể giải quyết được vấn đề lũ lụt phía hạ du trên toàn bộ lưu vực sông. Ngoài ra, trên các lưu vực hiện nay còn hàng nghìn công trình hồ chứa thủy lợi đơn mục tiêu khác, ít công trình có cửa van điều tiết, vì thế khả năng điều tiết lũ là rất hạn chế so với tổng lượng lũ trên lưu vực.
Nhằm giảm những thiệt hại do thiên tai gây ra liên quan đến hồ chứa Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Ðể giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra liên quan đến hồ chứa trong mùa thiên tai, đồng thời, gia tăng hiệu quả trong vận hành liên hồ chứa, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ ra quyết định vận hành các hồ chứa theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tham mưu, đề xuất một số nội dung trong Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo đó, Cục đã đề xuất có cơ chế chính sách quy định các điều kiện để vận hành linh hoạt, hướng tới vận hành các hồ chứa tiệm cận theo thời gian thực, xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định để điều hành, vận hành các hồ chứa; thiết lập mối liên hệ giữa hệ thống điều hành việc vận hành liên hồ chứa với bộ công cụ phục vụ phân phối điều hòa nguồn nước trên các lưu vực sông theo thời gian thực. Đồng thời, bổ sung quy định vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức lưu vực sông trong việc giám sát, điều hành việc vận hành liên hồ chứa nói riêng và việc phân phối, điều hòa tài nguyên nước trên lưu vực sông nói chung.
Khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với quy định quan trọng về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông được sửa đổi, những tồn tại, hạn chế sẽ được khắc phục, góp phần vào việc phòng, chống lũ và giữ gìn an toàn hồ đập, để người dân hạ du không còn phải chịu cảnh lũ hoành hành và “khát” nước mỗi khi hạ về./.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!