Để hạn chế tác động đến đời sống xã hội khi giá nhiên liệu tăng cao
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước tăng đáng kể theo đà tăng của thị trường thế giới. Đây là điều khiến doanh nghiệp và người dân lo ngại, tạo áp lực đối với sản xuất, tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Khách hàng mua xăng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 61 ở xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ
Từ 15 giờ ngày 10/11, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã công bố điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu trên phạm vi cả nước. Theo đó, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến tăng 559-658 đồng/lít. Cụ thể, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ở mức: Xăng E5 RON92 có giá bán không cao hơn 23.669 đồng/lít (tăng 559 đồng/lít so với kỳ tăng trước đó); xăng RON 95 có giá bán không cao hơn 24.996 đồng/lít (tăng 658 đồng/lít so với kỳ tăng trước đó). Với điều chỉnh này, giá xăng trong nước đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Các doanh nghiệp, dịch vụ vận tải là một trong những nhóm ngành chịu tác động nhiều nhất khi giá xăng dầu tăng. Dịch COVID-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh khiến các hãng vận tải khó khăn nay lại tiếp tục đối diện với việc giá xăng tăng liên tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể lập tức điều chỉnh tăng giá cước, thậm chí trong thời điểm này còn phải tìm các phương án giảm chi phí phát sinh, giữ nguyên giá cước để không mất khách hàng. Công ty TNHH Thương mại Nam Cường, phường Vân Cơ, TP Việt Trì là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải taxi. Ông Nguyễn Minh Quốc – Giám đốc Công ty cho biết: Với hơn 10 năm hoạt động trên thị trường vận tải nhưng đây được xem là giai đoạn khó khăn khi Công ty phải đối mặt với tình hình dịch bệnh COVID-19 và giá nhiên liệu tăng cao. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp cân đối các khoản chi phí phát sinh, tiết kiệm chi phí vận hành, hạn chế tăng giá các loại dịch vụ.
Ông Nguyễn Thế Đông – Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu-gas Petrolimex số 11, thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng cho biết: Trước đà tăng của xăng dầu thế giới cũng như trong nước, đơn vị cam kết chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện phân phối, lưu thông bảo đảm chất lượng xăng đến tay khách hàng đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Cửa hàng bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, doanh số bán lẻ của cửa hàng vẫn cơ bản ổn định. Trong tình hình dịch bệnh, để bảo đảm an toàn, cửa hàng yêu cầu nhân viên, nhất là những vị trí có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng thực hiện nghiêm quy định 5K.
Cùng với giá xăng tăng, các hãng gas đã đồng loạt điều chỉnh giá từ 1/11. Khảo sát trên thị trường, giá gas bán lẻ của các hãng gas trên địa bàn tỉnh tùy từng thương hiệu đều cập nhật bảng giá bán mới với giá khoảng 455.000 đồng/bình đến gần 500.000 đồng/bình 12kg; bình 48kg có giá từ 1,7 triệu đến 1,9 triệu đồng/bình.
Ông Dương Tuấn Tú – Cửa hàng trưởng cửa hàng gas Petrolimex Vân Cơ, phường Vân Cơ, TP Việt Trì cho biết: Qua nhiều lần điều chỉnh, chủ yếu là tăng giá, đến nay giá các sản phẩm gas Petrolimex đã tăng 7.000 đồng/kg so với đầu năm. Trước sự tăng giá của gas, các hàng quán ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua gas thời gian gần đây có phần giảm, người dân sử dụng tiết tiệm hơn và có xu thế chuyển dần sang dùng bếp điện và các loại bếp khác.
Trước sức ép khi giá nhiên liệu tăng, nhiều doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm như tiết giảm chi phí, giảm lãi để duy trì giá bán sản phẩm, dịch vụ ở mức hợp lý, duy trì sức mua của người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường; chú trọng kiểm soát việc bán hàng theo quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; giám sát chặt chẽ và đề xuất các biện pháp kịp thời để ngăn chặn các hành vi đầu cơ găm hàng làm phát sinh các nguy cơ mất cân đối cung cầu. Nhờ đó, sau nhiều lần tăng giá xăng, giá một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng song không có sự tăng đột biến; hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá không phù hợp với tỉ lệ tác động của giá xăng dầu vào giá thành sản phẩm hàng hóa.
Nhiên liệu, xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, nhất là ngành vận tải. Chi phí vận tải tăng dễ tác động khiến giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Do đó, người dân, doanh nghiệp mong muốn các ngành chức năng tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu, giảm thiểu tác động đến đời sống, sản xuất, kinh doanh.