Để Hà Nam trở thành 'điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới'
Sáng ngày 18/10 tại Hà Nam diễn ra hội nghị xúc tiến nhằm tiếp tục định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế của tỉnh Hà Nam.
Chương trình do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hà Nam, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển du lịch, dịch vụ, những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh Hà Nam.
Phát biểu khai mạc bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có hơn 200 cơ sở lưu trú với tổng số gần 4.000 phòng phục vụ khách du lịch, trong đó có 2 khách sạn 5 sao (khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Melia Vinpearl Phủ Lý) và sắp hoàn thành 01 khách sạn 5 sao nữa của Tập đoàn BRG…
Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nam đã hình thành như: Du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái như: Chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Phật Quang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang…; lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đền Trần Thương, lễ hội Xuân Tam Chúc…
Tỉnh đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng”.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch cùng các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để đưa ra các giải pháp nhằm phát triển Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới.
Ông Ishikawa Isamu - Phó đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi được biết rằng tỉnh Hà Nam đang phấn đấu đón 4 triệu khách du lịch mỗi năm, trong đó có 490.000 khách du lịch quốc tế vào năm 2025. Tôi tin tưởng rằng tỉnh Hà Nam chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu này”.
Ông cũng cho biết thêm, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẵn sàng và mong muốn hỗ trợ nếu tỉnh Hà Nam muốn tiếp cận với các công ty du lịch và nhà xuất bản liên quan đến du lịch của Nhật Bản.
Phát biểu trong chương trình hội nghị ông Nguyễn Lê Phúc - Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra: “Trong 9 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, khách nội địa đạt 95,5 triệu. tổng từ du lịch ước đạt 637,7 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy ngành Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ và có khả năng đạt được mức trước đại dịch vào cuối năm nay (so với năm 2019)”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc để du lịch Hà Nam thực sự cất cánh và phát triển bền vững, cần phải có sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, và cộng đồng.
Tại hội nghị, đã diễn ra chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Bình Định và tỉnh Hà Giang, cùng các các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Để phát huy thành quả, quyết tâm khắc phục những tồn tại, vượt qua khó khăn, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch.