Để có một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh: Bền bỉ gạn đục khơi trong

Những ngày đầu của mùa lễ hội Xuân 2024 diễn ra trong thanh bình, yên ả. Vui của phần hội, trang trọng của phần lễ và đặc biệt là sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong thực hiện Nghị định 110 của Chính phủ; các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và Bộ VHTTDL về đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn.

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương khẳng định, chặng đường đầu tiên của mùa lễ hội 2024 đã cho thấy hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, các lễ hội diễn ra tươi vui, nền nếp, chấn chỉnh và đẩy lùi những bất cập, phản cảm.

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết: Mùa lễ hội 2024 ngay từ sớm đã được dự báo sẽ thu hút rất đông nhân dân và du khách thập phương, đặc biệt với những lễ hội lớn, trọng điểm và kéo dài nhiều ngày. Từ dự báo tình hình cũng như diễn biến tại các lễ hội trong nhiều năm qua, trước thềm mùa lễ hội 2024, Cục Văn hóa cơ sở cùng với các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội, đặc biệt đối với những địa chỉ từng là “điểm nóng” như hội Phết Hiền Quan, lễ hội cướp Phết Bàn Giản, lễ hội chọi trâu Hải Lựu, lễ hội Đền Sóc, lễ Khai ấn đền Trần…

Theo Cục Văn hóa cơ sở, để công tác quản lý, tổ chức lễ hội ngày càng an toàn, văn minh cần phải bền bỉ hơn nữa trong việc "gạn đục khơi trong". Trong ảnh: Du khách trong lễ khai hội Chùa Hương - Hà Nội. Ảnh: LÊ SƠN

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội dịp đầu Xuân thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương. Sát Tết Nguyên đán, Cục Văn hóa cơ sở tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số địa phương, yêu cầu giám sát chặt chẽ những lễ hội lớn, tập trung đông người. Công tác quản lý lễ hội năm nay có nhiều đổi mới.

Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các phương án, có dự báo đối với hoạt động lễ hội. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch tổng thể cho các hoạt động lễ hội chung, chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng các kịch bản, kế hoạch, trong đó đưa ra nhiều phương án khả thi. Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, những lễ hội đầu Xuân đã diễn ra trong không khí văn minh, lành mạnh, không xô bồ; những bất cập, phản cảm đã được điều chỉnh. Vui ở phần hội, trang trọng trong phần lễ, du khách cảm nhận được giá trị hướng tới của các lễ hội chính là bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhiều lễ hội đang được mở rộng cả về quy mô, thời gian và cách thức tổ chức nhằm hướng đến xây dựng các sản phẩm văn hóa du lịch có sức hút. Thực tế này đặt ra những vấn đề mới trong công tác quản lý ra sao, thưa bà?

- Đây chính là vấn đề đang diễn ra phổ biến ở một số lễ hội lớn. Ngay tại Hà Nội, hội Gò Đống Đa, lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)… đều có nhiều điểm mới, lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, thời gian kéo dài nhất từ trước đến nay. Tại lễ hội đền Hai Bà Trưng, lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D mapping xuất hiện, mang đến nhiều trải nghiệm theo cách thức mới, phù hợp với thời đại. Sự đổi mới này giúp người dân được thụ hưởng thêm nhiều giá trị văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, hệ lụy là kéo theo lượng khách rất đông. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cần được hết sức quan tâm. Công tác dự báo tình hình, giải pháp cho các tình huống phát sinh cũng cần được chuẩn bị sẵn sàng.

Đối với các lễ hội còn tiếp tục kéo dài như hội chùa Hương, hội Xuân Yên Tử hay các lễ hội đông người sẽ diễn ra trong dịp trước, trong Rằm tháng Giêng như lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định), hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ)… luôn cần thường trực các giải pháp ứng phó, giải quyết các tình huống nảy sinh.

Chưa đến ngày khai hội nhưng tại chùa Đồng (Khu di tích danh thắng Yên Tử - Quảng Ninh) thu hút lượng lớn du khách thập phương

Nhiều hủ tục lạc hậu làm giảm đi nét đẹp truyền thống trong lễ hội đến nay đã được “gạn đục, khơi trong”. Khi nhu cầu tham gia các lễ hội của cộng đồng ngày một lớn thì bài toán quản lý càng đặt ra nhiều tình huống, trong đó trọng tâm là việc nâng cao nhận thức của người tham gia lễ hội, thưa bà?

- Trên thực tế đã có không ít bất cập nảy sinh từ nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của lễ hội cũng như những hạn chế trong công tác quản lý. Bởi vậy, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mỗi mùa lễ hội là một mùa “gạn đục, khơi trong”, để lễ hội thực sự phát huy giá trị “sức mạnh mềm”, trở thành động lực phát triển văn hóa.

Trong nhiều năm, những lễ hội lớn đa phần trong tình trạng quá tải, một số lễ hội duy trì các tập tục không còn phù hợp đã nảy sinh không ít biến tướng, bất cập. Song song với việc cùng các địa phương tìm giải pháp chấn chỉnh, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân được Bộ VHTTDL, lãnh đạo các tỉnh, thành đặc biệt chú trọng, quyết liệt chấn chỉnh. Đơn cử như hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) trước đây có màn phát lộc hoa tre sau khi dâng thánh, nhưng có năm lễ phát lộc trở thành màn tranh cướp, giằng co rất phản cảm.

Quyết tâm thay đổi, BTC lễ hội không chỉ huy động lực lượng an ninh để duy trì trật tự mà nghi thức phát lộc cũng được tính toán, không để xảy ra tình trạng tranh cướp như trước. Hay tại lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định), đề án đổi mới đã căn bản thay đổi diện mạo lễ hội khi hoạt động phát ấn chuyển từ trong đêm 14 sang rạng sáng ngày Rằm, những hình ảnh giằng co phản cảm cũng đã không còn nữa.

Hoặc như với một số bất cập phổ biến là nạn đốt vàng mã bừa bãi, rải tiền lẻ tràn lan trên ban thờ, “nhét” tiền vào tay tượng... tất cả cũng đều bắt nguồn từ hiểu biết hạn chế. Nếu hiểu được đúng giá trị của lễ hội, ý nghĩa của phong tục thì người đi lễ tự điều chỉnh hành vi của chính mình. Văn hóa dân tộc là một dòng chảy không ngừng mà lễ hội là một thành tố của dòng chảy ấy. “Gạn đục, khơi trong” trong lễ hội là một quá trình bền bỉ, không ngừng. Xuân Giáp Thìn 2024 cũng là mùa đầu tiên các địa phương triển khai Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ VHTTDL ban hành. Việc thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí sẽ góp phần làm lành mạnh hóa môi trường tổ chức lễ hội.

Du khách thập phương hành hương động Hương Tích (chùa Hương - Hà Nội). Ảnh: LÊ SƠN

Như vừa đề cập, mùa lễ hội 2024 là năm đầu tiên triển khai “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”, yêu cầu đặt ra đối với các địa phương trong triển khai Bộ tiêu chí là gì?

- Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, BTC các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.

Bên cạnh đó, bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn. Các địa phương khi tổ chức lễ hội cần ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh…

Những ngày đầu tiên của mùa lễ hội 2024 đang diễn ra khá bình yên. Tuy nhiên, như lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chúng ta không chủ quan với những kết quả đã đạt được. Mùa lễ hội còn kéo dài, vì vậy, Cục Văn hóa cơ sở và các đơn vị chức năng của Bộ sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý, hướng đến một mùa lễ hội Xuân thực sự trọn vẹn, tươi vui.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

“Gạn đục, khơi trong” trong lễ hội là một quá trình bền bỉ, không ngừng. Xuân Giáp Thìn 2024 cũng là mùa đầu tiên các địa phương triển khai Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ VHTTDL ban hành. Việc thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí sẽ góp phần làm lành mạnh hóa môi trường tổ chức lễ hội.

Phương Anh/Báo Văn Hóa

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/de-co-mot-mua-le-hoi-van-minh-lanh-manh-ben-bi-gan-duc-khoi-trong-post1077644.vov