DDCI 2019: Những đánh giá kém lạc quan

Kết quả khảo sát cho thấy các sở, ngành và các địa phương đều có những nỗ lực nhất định trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp dựa trên quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng những cải thiện này ở mức độ cao hơn bởi trong thực tế, các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, phiền hà.

Hoạt động xuất - nhập khẩu tại cửa khẩu thời gian qua phát sinh một số tiêu cực.

Doanh nghiệp phải trả nhiều chi phí không chính thức

Chỉ số thành phần chi phí không chính thức có điểm thấp nhất trong hệ thống các chỉ số cấu thành DDCI sở, ban, ngành của tỉnh. Biểu đồ về điểm số chỉ số thành phần không chính thức chiếm quá nửa là gam màu của điểm số ở mức “khá”. Theo nhóm nghiên cứu, việc đánh giá chi phí không chính thức khá khó khăn do nhiều doanh nghiệp e ngại, không muốn cung cấp thông tin. Mức độ, tần suất và xu hướng của chi phí không chính thức cũng rất khác biệt và đa dạng. Tuy nhiên, những thông tin thông qua đánh giá của DDCI Lào Cai đã phần nào đưa ra thông điệp chung nhất về thực trạng chi phí không chính thức tại tỉnh.

Theo kết quả khảo sát, điểm số chỉ số thành phần chi phí không chính thức đạt trung bình là 7,88 điểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt mức điểm cao nhất 8,2 điểm. Ở chiều ngược lại, Cục Thuế tỉnh 7,72 điểm, Cục Hải quan 7,71 điểm, Sở Thông tin và Truyền thông 7,69 điểm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch 7,56 điểm, là những sở, ngành còn nhiều hạn chế trong việc góp phần giảm chi phí không chính thức. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với mức điểm 7,88/10 ở vị trí trung vị. Đây cũng là mức điểm thuộc nhóm “khá”, chưa phải kết quả đạt ký vọng của nhiều doanh nghiệp.

Trở ngại từ chi phí không chính thức đang tiếp tục bộc lộ những dấu hiệu tiêu cực tại Lào Cai. Có 69,29% doanh nghiệp, hợp tác xã phản ánh vẫn phải chi trả các khoản chi khác ngoài quy định của pháp luật; 16,37% doanh nghiệp cho rằng việc chi trả chi phí không chính thức không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Thực tế tại các địa phương trên cả nước cho thấy, khi mức độ phổ biến của chi phí không chính thức tăng cao, niềm tin của khu vực doanh nghiệp giảm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chủ động trả chi phí không chính thức để giành lấy lợi thế kinh doanh hơn. Điều đó sẽ làm thay đổi những tín hiệu của thị trường và quản lý. Về lâu dài, gây thiệt hại cho nền kinh tế và sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, các nỗ lực để cắt giảm chi phí không chính thức luôn cần thiết.

Khi phân tích về xu thế của chi phí không chính thức trong thời gian tới, 27,2% doanh nghiệp/hợp tác xã cho rằng chi phí không chính thức sẽ giảm đáng kể và trở nên kém phổ biến hơn; 37,63% cho rằng các chi phí này sẽ giảm nhưng quy mô nhỏ. Những con số và nhận định trên cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào các sở, ngành trong việc giảm chi phí không chính thức là tương đối lớn. Cấp sở, ngành nên có những biện pháp hữu hiệu để đáp lại niềm tin từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Theo địa phương, quy mô phản ánh hiện tượng chi phí không chính thức khá cao. Gần 50% số hộ kinh doanh cho biết vẫn phải chi trả chi phí không chính thức ở các mức độ khác nhau: 31,4% chi trả trong một vài trường hợp; 12,6% có chi trả chi phí không chính thức nhưng không tạo gánh nặng; 3,6% cho rằng chi phí không chính thức là tương đối phổ biến và 1,1% đánh giá chi phí không chính thức gần như thành yêu cầu mặc định ngầm.

Thành phố Lào Cai có điểm số thấp nhất (8,2 điểm) khi xem xét chỉ số thành phần liên quan đến chi phí không chính thức. Chi phí không chính thức tại thành phố Lào Cai còn đang tập trung ở các hoạt động đăng ký kinh doanh tại thành phố, đất đai - địa chính và xây dựng. Theo chỉ tiêu, đất đai - địa chính và xây dựng cũng là 2 lĩnh vực nhận được một số phản hồi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh do tồn tại các chi phí không chính thức. Sa Pa là địa phương có nhiều phản hồi về 2 lĩnh vực trên. Trên bình diện chung toàn tỉnh, 2 chỉ tiêu này cũng nhận được mức điểm lần lượt là 8,78 và 8,99 điểm, thấp hơn so với các chỉ tiêu còn lại.

Khó tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh

Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh là chỉ số thành phần có mức điểm thấp nhất. Cũng cần lưu ý, DDCI cấp huyện quan tâm đến đất đai với vai trò là tư liệu sản xuất, liên quan trực tiếp đến kinh doanh, kinh tế. Các vấn đề chính mà đại diện các hộ kinh doanh chú trọng là mức độ thuận lợi để có được địa điểm kinh doanh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rủi ro thu hồi mặt bằng, giải tỏa, khả năng được cho thuê đất và chất lượng các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, địa điểm kinh doanh.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận địa điểm kinh doanh thuận lợi.

Trên bình diện toàn tỉnh, điểm số trung bình là 7,41. Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương là các địa phương có mức điểm trên mức trung bình chung; Bảo Thắng, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Si Ma Cai tiệm cận mức trung bình. Còn lại Bảo Yên, Sa Pa ghi nhận nhiều phản hồi chưa tích cực về khả năng tiếp cận đất đai.

Phân tích các chỉ tiêu có thể thấy rằng rủi ro về mặt bằng kinh doanh là chỉ tiêu hiếm hoi nhận được đánh giá tích cực từ các hộ kinh doanh. Hầu hết các hộ kinh doanh cho rằng rủi ro này thấp. Cũng cần lưu ý, nhiều hộ kinh doanh sử dụng chính đất nhà ở để làm địa điểm kinh doanh, do đó tính ổn định về đất đai của các hộ kinh doanh thường cao hơn các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác. Điều này là tương đồng với thực trạng chung của các địa phương khác trong cả nước.

Mức độ thuận lợi để có được địa điểm kinh doanh không có nhiều khác biệt giữa các huyện, thành phố, 15,25% số hộ kinh doanh trong khảo sát cho rằng “rất thuận lợi”; 51,55% đánh giá ở mức “tương đối thuận lợi”; 27,48% đánh giá ở mức độ “bình thường”; còn lại 5,72% có nhiều lo ngại trong tiếp cận đất đai tại huyện/thành phố thuộc tỉnh.

Chất lượng chung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đánh giá với mức điểm chung là 7,6. Trong đó, Bảo Yên, Sa Pa có mức điểm chưa tới 7, thấp hơn so với các huyện và thành phố còn lại.

Khả năng được thuê đất tại các khu đất mới là chỉ tiêu còn nhiều hạn chế trong tiếp cận đất đai ở hầu hết các địa phương. 43,79% ý kiến cho rằng khả năng này là “trung bình” và có sự khác biệt lớn giữa các huyện, thành phố. Cụ thể, Si Ma Cai, Sa Pa chỉ đạt lần lượt là 4,52 điểm và 4,89 điểm trong chỉ tiêu thành phần này, tương đương với khả năng “thấp, khó khăn”. Trong khi tình trạng trên cũng không có nhiều khác biệt ở Mường Khương, Bảo Yên.

Trước thực trạng trên, khi được hỏi về “hiệu quả chung của thủ tục hành chính, dịch vụ công về đất đai - địa chính tại huyện”, hơn 1/3 đại diện hộ kinh doanh đánh giá ở mức trung bình, tập trung ở Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên, Sa Pa. Trong khi đó, Văn Bàn, thành phố Lào Cai, Bát Xát được nhìn nhận có những bước tiến nhất định, tỷ lệ đánh giá “thuận lợi”, “rất thuận lợi” cao hơn các địa phương khác.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/ddci-2019-nhung-danh-gia-kem-lac-quan-z3n20200629102522334.htm