Dây tơ hồng của người Dao Quần trắng

'Áy cón' là lễ cưới truyền thống của đồng bào Dao quần trắng. Lễ cưới thường diễn ra vào thời điểm thu hoạch ngô, lúa trên nương rẫy đã xong xuôi. Trước khi lễ cưới được tổ chức thì cả nhà trai và nhà gái sẽ phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ lễ... Còn cô dâu tự tay làm trang phục cho mình, trong đó có cả dây tơ hồng đeo vào cổ trong ngày cưới.

Ông Lý Văn Điệp, một người cao tuổi ở xã Thắng Quân (Yên Sơn) cho biết, dây tơ hồng theo tiếng Dao là “cái lù”. Dây dài khoảng hơn một mét được khâu bằng vải thô. Dây có hai màu, một bên là màu đỏ và một bên là màu trắng. “Cái lù” là vật không thể thiếu trong trang phục cô dâu. Đó là minh chứng tình yêu, sợi dây kết duyên đôi lứa.

Dây được làm đơn giản, không cầu kỳ phức tạp, trước hết là cô dâu phải chọn 2 mảnh vải đẹp màu đỏ và màu trắng, cắt đo chiều rộng khoảng 6 cm, chiều dài hơn 1 mét. Sau đó áp sát hai mảnh và khâu lại với nhau. Đường kim mũi chỉ phải đều tay thể hiện được sự khéo léo tỉ mỉ của người phụ nữ.

Chị Bàn Thị Son, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) luôn giữ gìn dây tơ hồng như kỷ vật thiêng liêng.

Chị Bàn Thị Son, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) luôn giữ gìn dây tơ hồng như kỷ vật thiêng liêng.

Trong ngày cưới “cái lù” được cô dâu buộc một vòng vào cổ rồi thắt nút cố định ở gáy và buông dây ra phía sau tạo sự duyên dáng thướt tha. Dây vừa góp phần làm đẹp vừa mang ý nghĩa riêng. Màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn. Còn màu trắng vừa tượng trưng cho linh hồn dân tộc người Dao quần trắng vừa thể hiện sự trong trắng thủy chung của người con gái. Ngoài ra, một số người còn cho rằng, màu đỏ là màu của đàn bà, màu trắng là màu của đàn ông. Sợi dây là vật thể thiêng liêng buộc chặt tình cảm vợ chồng thêm son sắt, thủy chung.

Hơn hai tuần nữa Bàn Thị Vi, thôn 7 Ngòi Yên, xã Bằng Cốc (Yên Sơn) cưới chồng. Đến nay, Vi đã chuẩn bị đầy đủ trang phục, trong đó có cả sợi dây tơ hồng. Vi cho biết, đeo “cái lù” trong ngày cưới là minh chứng gái đã có chồng, hoa đã có chủ. Sợi dây vải mềm mại, thanh mảnh như muốn nhắn nhủ người phụ nữ phải biết cư xử, khôn khéo đối với chồng và gia đình chồng.

Dây được người vợ cất giữ cẩn thận, đó như là kỷ vật thiêng liêng giữ gìn hạnh phúc cuộc sống hôn nhân. Chị Nguyễn Thị Son, thôn 6 Cọ Sẻ đã kết hôn được hơn 10 năm. Chị luôn giữ gìn sợi dây, coi đó là bùa may của mình. Thi thoảng hai vợ chồng mang ra ngắm như lời nhắc nhở cùng nhau giữ gìn mái ấm gia đình.

Trong lễ cưới người Dao, cô dâu mang sợi dây tơ hồng thì phù dâu cũng có sợi dây vải đeo ở cổ. Loại dây này có kích thước tương đương “cái lù” nhưng chỉ một màu đỏ. Đó là lời chúc phúc của bạn dâu dành tặng cho tân lang, tân nương trong ngày cưới. Ngày nay, người Dao ở nhiều nơi khác “cái lù” được biến thể khác lạ. Dây tơ hồng được làm bằng vải có đường nét hoa văn sặc sỡ. Thể hiện niềm vui, hạnh phúc như lời chúc cho cuộc sống vợ chồng luôn may mắn, bình an.

Dây tơ hồng đeo vào cổ được cô dâu tự tay khâu với ước mong cuộc sống tương lai tốt đẹp. Dây đeo vào ngày cưới sau đó cất giữ như một kỷ vật linh thiêng tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn. Đây là mỹ tục mang những nét văn hóa mang đậm bản sắc đã và đang được gìn giữ, phát huy.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/day-to-hong-cua-nguoi-dao-quan-trang-123242.html