Dạy tiếng Anh cho học sinh vùng sâu huyện Sông Mã - Sơn La

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Sơn La, bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh vẫn chưa có lời giải. Vậy các thầy, cô giáo nơi vùng cao ấy đã vượt khó thế nào để mang ngôn ngữ chung của thế giới đến với học trò?

Trên chiếc xe máy cà tàng gắn bó ngót nghét với mình 20 năm, thầy Nguyễn Minh Hóa, giáo viên Tiếng Anh, Trường PTDT bán trú THCS Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La bắt đầu hành trình ngược núi. Nhiều tháng nay, từ khi bước vào năm học mới, thầy Hóa có thêm nhiệm vụ dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của xã, sau khi hoàn thành các tiết giảng cho học sinh khối THCS.

Bằng trách nhiệm, tâm huyết và tình yêu thương, giáo viên vùng cao Sơn La đã vượt khó, để 100% học sinh lớp 3 được học môn học mới - Tiếng Anh.

Con đường sỏi đá chỉ 16km, nhưng mất hơn một giờ gồng mình ngược dốc cheo leo. Chiếc xe xóc nảy liên tục, thầy Hóa phải ghìm giữ số 1, số 2. Thầy Hóa bảo, đi thế này vẫn còn sướng chán, những hôm mưa gió, lầy lội, nhiều thầy cô tay lái yếu ngã liên tục; chưa kể giá rét cắt da, cắt thịt, có hôm lên tới trường mà bàn tay không còn cảm giác. Ấy thế mà đi mãi cũng thành quen...

“Khó khăn không phải của riêng bản thân tôi, mà các giáo viên dạy những điểm trường lẻ đều như vậy. Phải có tinh thần nhiệt huyết, tình yêu với trò thì mới đến được với các em. Đặc biệt, vào những ngày mưa gió thì không thể tả được con đường ấy, vì đường xá khu vực biên giới rất khó, rất khổ. Vừa là thực hiện nhiệm vụ được giao và cũng thương các em nên tôi cố gắng, dù vất vả, khó khăn”, thầy Nguyễn Minh Hóa cho hay.

Đều đặn mỗi ngày, sau khi kết thúc giờ dạy buổi sáng, thầy Hóa lại lên đường tới các điểm trường tiểu học để mang con chữ đến với học trò.

Câu chuyện với thầy Hóa bị ngắt quãng khi điểm trường tiểu học bản Háng Lìa dần hiện ra nơi đỉnh dốc. Điểm trường có 6 lớp, chủ yếu là con em hai bản biên giới Huổi Khe và Háng Lìa của xã Mường Cai, huyện Sông Mã. Nhanh tay phủi bộ quần áo ngả vàng vì bụi, thầy Hóa xách cặp, rảo bước vào lớp học, nơi gần 30 học trò dân tộc Mông đang háo hức đón chờ từ lâu.

Những điểm lẻ của trường tiểu học cách trung tâm xã hàng chục cây số, chủ yếu là các bản biên giới, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Với những đứa trẻ vốn nói tiếng Việt chưa sõi thì việc học thêm ngôn ngữ mới như tiếng Anh lại càng khó.

“Khó khăn vì đây là lần đầu các em tiếp xúc với chương trình tiếng Anh. Thứ hai là do sống ở bản, ít xuống khu trung tâm nên khả năng ngôn ngữ, giao tiếp tiếng phổ thông của các em còn hạn chế. Nên khi thầy giảng bài, các em chưa hiểu hết được ý thầy truyền đạt, tiếp thu kiến thức cũng chậm hơn rất nhiều”, thầy Hóa nói.

Dù khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng dưới sự dìu dắt của thầy cô, những đứa trẻ vùng cao rất say mê, hứng thú với ngôn ngữ mới...

Không có máy chiếu, tivi, cũng chẳng được kết nối trực tuyến gần xa, giờ học tiếng Anh ở đây giản đơn nhưng rất sôi nổi, ấn tượng. Bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi của học trò điểm trường lẻ, thầy Hóa đã cất công chuẩn bị nhiều dụng cụ mô phỏng như bản đồ, quả địa cầu, băng catset, hay bất cứ con vật, loại cây nào có trong bản, cũng trở thành ví dụ minh họa cho bài giảng.

“Hơn 20 năm công tác trong nghề, đặc biệt là giảng dạy môn tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa, tôi cũng đúc kết được kinh nghiệm. Bước đầu sẽ cho các em làm quen dần từ những cái đơn giản nhất, những từ đơn lẻ, vừa dạy vừa chơi với các em, đặc biệt là sử dụng hành động, ngôn ngữ hình thể... tạo hứng thú cho học sinh, vì không có trang thiết bị thực sự rất khó cho các thầy đứng lớp”.

Các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết Tiếng Anh được rèn luyện qua mỗi bài học.

Những từ tiếng Anh vừa lạ lẫm, vừa thân quen… vang vọng khắp bản làng như mang thế giới xích lại gần hơn với các em. Dẫu còn khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng khi hỏi về những tiết học tiếng Anh - một ngôn ngữ mới mẻ, những đứa trẻ điểm trường Háng Lìa đều ánh lên nét rạng ngời, háo hức.

Em Sộng Pạ Dông và Sộng Thị Chi, học sinh lớp 3, điểm trường bản Háng Lìa chia sẻ:

“Con rất thích học Tiếng Anh, học tiếng Anh rất là vui”.

“Đến lớp học Tiếng Anh, con được thầy dạy viết, được học hát, học đọc... con cảm thấy rất vui. Con sẽ chăm học để biết nhiều hơn”.

Không có máy tính, tivi, kết nối internet để minh họa cho bài giảng, bởi vậy, mỗi loại cây, loài hoa có trong khuôn viên điểm trường đều thành ví dụ sinh động, tạo hứng thú cho học sinh.

Câu chuyện của thầy Nguyễn Minh Hóa và học trò ở xã biên giới Mường Cai cũng là bức tranh về sự tâm huyết, nỗ lực vượt khó của 24 giáo viên tiếng Anh bậc THCS được phân công dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học thiếu giáo viên trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Ngoài giờ học, thầy Hóa còn dành thời gian kèm cặp, hỗ trợ, rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc...tiếng Anh cho học trò.

Được biết, để đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với môn tiếng Anh, huyện Sông Mã đã tổ chức tuyển dụng hàng năm, nhưng luôn gặp khó vì không có nguồn. Kể từ năm 2020, mỗi năm huyện có từ 6 – 12 chỉ tiêu, nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 3 thầy cô.

Trước mắt, để đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh theo quy định, huyện Sông Mã phải giao thêm nhiệm vụ cho giáo viên tiếng Anh cấp THCS.

Các giáo viên ở rẻo cao Sơn La đã, đang không ngừng nỗ lực, vượt khó, sáng tạo để mang thế giới đến gần hơn với con em dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã chia sẻ, đây thực sự là thử thách, cũng là cố gắng, nỗ lực rất lớn của ngành. Bởi các giáo viên vốn đã vất vả, nay khối lượng công việc như nhân đôi. Chưa kể những nơi thiếu giáo viên chủ yếu là điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

“Các giáo viên tiếng Anh trên địa bàn đang thiếu, vì vậy lượng tiết, thời gian làm việc của các thầy cô tăng quá so với quy định của ngành với giáo viên. Hiện, ngoài chế độ tiền lương theo quy định Nhà nước, huyện Sông Mã đã lập dự toán trả thêm giờ cho giáo viên THCS dạy tiếng Anh tiểu học. Phòng cũng động viên nhà trường, giáo viên bằng trách nhiệm với nghề, với học sinh để nỗ lực vượt khó. Phía ngành cũng sẽ phối hợp với các cấp để kiến nghị đề xuất có chính sách hỗ trợ với giáo viên dạy tăng thêm”, ông Nguyễn Công Viên chia sẻ.

Có rất nhiều con đường để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, nhưng con đường bền vững và tươi sáng nhất chính là giáo dục. Trong hành trang tri thức, những tiết học tiếng Anh với học sinh lớp 3 cũng là khởi nguồn cho ước mơ được vươn xa của các em. Bởi vậy, dẫu khó khăn bộn bề, mỗi ngày trôi qua, những giáo viên nơi rẻo cao Sơn La vẫn miệt mài, rong ruổi qua những đỉnh núi, với mong muốn giản đơn - "cõng" thế giới lên với vùng cao./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/day-tieng-anh-cho-hoc-sinh-vung-sau-huyen-song-ma-son-la-post983919.vov