Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị đại học thông minh, hiện đại tại Hòa Lạc
Phát biểu tại cuộc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội chiều 16.8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội phải có quyết tâm mới, tầm nhìn dài hạn, cách làm khác, hướng tới mục tiêu xây dựng khu đô thị đại học thông minh, hiện đại, chứ không phải là xây dựng một trường đại học lớn.
"Tương lai khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phát triển như thế nào trong phạm vi dự án và trong quy hoạch chung của TP. Hà Nội? Đây là việc đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội phải bàn bạc, thảo luận với TP. Hà Nội, các bộ, ngành liên quan", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Với tầm nhìn dài hạn về một khu đô thị đại học thông minh, hiện đại, Phó Thủ tướng cho rằng quy hoạch của dự án phải có độ mở, linh hoạt thay vì "đóng cứng" chỉ gồm một số trường đại học như ban đầu.
Trước mắt, cùng với việc đưa toàn bộ cơ quan làm việc lên Hòa Lạc, Phó Thủ tướng đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội khẩn trương có các dự án xây dựng, đưa các giảng đường vào hoạt động để đón sinh viên lên học.
Từ nay đến hết năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội phải hoàn thành việc phân mốc, xác định ranh giới toàn bộ dự án; phối hợp với TP. Hà Nội, huyện Thạch Thất hoàn thành giải phóng mặt bằng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên giải quyết các hộ dân nằm trên tuyến đường nội bộ, có nguồn gốc đất rõ ràng; làm việc với ngành điện lực để có phương án xử lý dứt điểm dự án trạm biến áp 110 kV, bảo đảm cấp điện lưới cho các công trình dự án; định hướng phát triển các khu ký túc xá, nhà ở cho sinh viên...
Xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc theo mô hình "5 trong 1"
Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết, "Đại học Quốc gia Hà Nội cố gắng sử dụng tối đa quỹ đất, các nguồn lực được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một khu đô thị đại học đổi mới sáng tạo, xanh, thông minh và bền vững hàng đầu khu vực tại Hòa Lạc; xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc theo mô hình "5 trong 1": Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu".
Ngày 19.5.2022 là dấu mốc đặc biệt của Đại học Quốc gia Hà Nội khi toàn bộ Cơ quan Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội, thể hiện quyết tâm của Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án thành phần.
Theo kế hoạch, năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Từ tháng 9.2022, 450 sinh viên năm thứ nhất các ngành sư phạm của Trường ĐH Giáo dục, 550 sinh viên năm thứ nhất và một số học phần năm thứ hai của Trường ĐH Y Dược, 300 sinh viên Trường ĐH Việt Nhật, 600 sinh viên Trường Quốc tế đã xây dựng kế hoạch đào tạo tại Hòa Lạc. Ngoài ra, sinh viên Trường ĐH Công nghệ và một số đơn vị đào tạo khác dự kiến sẽ học tập một số học phần thực hành, thực tập tại Hòa Lạc.
Cần tháo gỡ dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 60.000 sinh viên; diện tích đất khoảng 1.113,7ha, tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2025. Tuy nhiên đến nay, lũy kế giải ngân cho dự án mới đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, nên tiến độ dự án chậm nhiều so với kế hoạch.
Tính đến thời điểm hiện tại, giải phóng mặt bằng được 729,39/1000,08ha trong quy hoạch (đạt 72,9%) và 148,06/225,60 ha ngoài quy hoạch (đạt 65,6%). Đã thi công và hoàn thành được nhà công vụ số 1 (20.000m2 sàn), khu ký túc xá (20.000m2 sàn), hoàn thành 2 giảng đường quy mô 35.000m2; 8 tuyến đường hạ tầng khung, 4 tuyến kênh mương, trạm biến áp 110KV và hạ tầng nội khu đáp ứng cho 4.000 sinh viên.
Vướng mắc chủ yếu trong triển khai các công trình trong phạm vi dự án liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Với khoảng hơn 200 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư khiến một số tuyến đường đã khởi công từ năm 2014 đến nay chưa thể hoàn thành toàn bộ, không thể hoàn thành dự án trạm biến áp để cấp điện lưới phục vụ các công trình dự án.
Đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ dứt điểm các nội dung vướng mắc giải phóng mặt bằng thì các công trình đang triển khai đầu tư sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, hạn chế lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm kế hoạch giải ngân đầu tư công.