Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Xác định giải phóng mặt bằng là một trong những động lực cốt lõi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong những tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh đã và đang tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai công trình, dự án trên địa bàn nhằm đáp ứng kế hoạch giải ngân nguồn vốn năm 2024.
Theo số liệu của Kho bạc nhà nước Hà Tĩnh, đến đầu tháng 12/2024, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.000 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 63,5% so với kế hoạch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao. Trong đó, nguồn vốn do địa phương quản lý giải ngân đạt hơn 5.300 tỷ đồng, bằng 119,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 62,3% kế hoạch HĐND tỉnh giao, nguồn vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn đạt 631,383 tỷ đồng, bằng 67,2% kế hoạch.
Rốt ráo bàn giao mặt bằng sạch
Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực-Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh (sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới) có tổng mức đầu tư 1.249 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2019-2025. Theo Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thị xã Kỳ Anh Nguyễn Vũ Tuấn, để triển khai dự án, địa phương đã giải phóng mặt bằng liên quan đến 415 hộ dân, tổng diện tích hơn 48 ha.
Mặc dù quá trình kiểm đếm, áp giá và thực hiện bồi thường, tái định cư hết sức phức tạp, song chính quyền thị xã Kỳ Anh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền công khai, minh bạch, từng bước tháo gỡ vướng mắc, nhờ đó người dân đã hiểu rõ lợi ích của dự án và đồng thuận, đồng hành cùng địa phương, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Theo Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành bốn gói thầu bao gồm: Hồ Thủy Sơn, đường trục kết nối đô thị trung tâm đoạn từ Km00-Km2+00, kè và đường bờ bắc sông Trí, kè và đường bờ nam sông Trí. Bốn gói thầu còn lại đang được khẩn trương triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 1/5/2025. Nhờ đáp ứng tốt các điều kiện của đối tác cho vay vốn, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công cho nên dự án đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
“Đối tác tài trợ vốn và cấp có thẩm quyền đã đồng ý cho địa phương sử dụng vốn kết dư của dự án để triển khai thêm gói thầu số 8, tổng mức đầu tư 156 tỷ đồng”, Phó Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thị xã Kỳ Anh Nguyễn Công Thuận cho biết và chia sẻ thêm, giai đoạn chuẩn bị dự án, chủ đầu tư phải chủ động hoàn thiện các thủ tục theo quy định trong nước để ngay sau khi ký hiệp định là có thể triển khai hoạt động thi công và giải ngân vốn.
Đến giữa kỳ, dự án phải tiến hành rà soát số vốn thực cần để hoàn thành, từ đó xác định số vốn dư của dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng vốn dư để bổ sung hạng mục nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án và thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C đoạn Thiên Cầm-Quốc lộ 1 và đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những công trình gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đoạn Thiên Cầm-Quốc lộ 1 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/10/2024, tuy nhiên đến đầu tháng 12/2024, trên tuyến vẫn còn vướng 34 hộ dân, trong đó, thị trấn Thiên Cầm 4 hộ, thị trấn Cẩm Xuyên 15 hộ, xã Nam Phúc Thăng 15 hộ; tổng chiều dài 1,3 km/22 km (cả hai bên đoạn tuyến).
Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết, mặc dù Quốc lộ 8C đã được nâng cấp nhiều lần, nhưng từ trước đến nay chưa có dự án nào thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, vì vậy việc xác minh nguồn gốc đất đai, ranh giới sử dụng đất của các hộ liên quan gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một số hộ dân tuy không nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng khi cốt đường được nâng lên từ 3-5 m, sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để giải quyết vướng mắc này, huyện đã thành lập các đoàn công tác, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng ban đầu của tuyến đường, từ đó phân tích cho người dân biết rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai. Đến đầu tháng 12/2024, huyện đã kiểm kê, phê duyệt giá trị bồi thường tất cả 992 hộ dân bị ảnh hưởng, chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 831 hộ, với tổng số tiền 97,39 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch.
Chủ động kế hoạch vốn
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu giải ngân chính là sự quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương trong từng khâu của quá trình thực hiện dự án. Tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên yêu cầu các sở, ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và cũng chính là trách nhiệm của người đứng đầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 3 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn tại hiện trường, nhất là vấn đề giải ngân và quản lý chất lượng công trình,… Nhờ đó, kết quả giải ngân 11 tháng của tỉnh cao hơn bình quân chung cả nước và cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, mặc dù là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao so với mặt bằng chung của cả nước, tuy nhiên kết quả giải ngân giữa các nguồn vốn của Hà Tĩnh vẫn còn chênh lệch, một số công trình, dự án tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Do đó, tỉnh đã chủ động rà soát và kịp thời điều chuyển hơn 46 tỷ đồng kế hoạch vốn của các dự án dự kiến không giải ngân hết kế hoạch để bổ sung cho các dự án tiến độ triển khai nhanh, giải ngân tốt và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 cho 121 dự án, tổng số vốn gần 1.528 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh gần 1.355 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, thời gian tới, cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, bám sát hiện trường để kịp thời chấn chỉnh bất cập nảy sinh; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên để có phương án xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, kiên quyết chấm dứt hợp đồng, buộc dừng thi công và thay thế các nhà thầu không bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động có phương án ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung về vật liệu, xăng dầu,.. bảo đảm việc triển khai thi công công trình không bị gián đoạn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post851556.html