Đẩy mạnh việc thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp
Công đoàn cơ sở (CĐCS) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong doanh nghiệp và với người lao động (NLĐ). Một tổ chức công đoàn (TCCĐ) cơ sở hoạt động hiệu quả có thể bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và NLĐ, qua đó góp phần vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh mới có gần 8% số DN đang hoạt động thành lập TCCĐ và hơn 50% số NLĐ trong doanh nghiệp tham gia TCCĐ. Vậy giải pháp nào để thành lập TCCĐ trong DN và thu hút NLĐ tham gia TCCĐ?

LĐLĐ thành phố Hưng Yên trao quyết định thành lập CĐCS Công ty TNHH đầu tư thương mại An Dân Hưng Yên (thành phố Hưng Yên)
Bài 1: Muôn cách doanh nghiệp “né” thành lập công đoàn
Trong tổng số hơn 10 nghìn DN trên địa bàn tỉnh đang hoạt động với hơn 250 nghìn NLĐ thì mới có 789 DN thành lập được TCCĐ. Nhiều DN có đủ điều kiện thành lập CĐCS nhưng tìm cách né tránh, không thành lập TCCĐ. Điều đó đồng nghĩa với việc, nhiều NLĐ đang làm việc ở các DN chưa được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng một cách tốt nhất.
Muôn vàn lý do doanh nghiệp trì hoãn
Trong hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ rõ ưu tiên tập trung phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS ở DN có từ 30 lao động ổn định trở lên. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới được 220 CĐCS, kết nạp mới 31.676 đoàn viên trong đơn vị kinh tế tư nhân vào TCCĐ, cụ thể năm 2019 thành lập mới 65 CĐCS, kết nạp mới 7.536 đoàn viên; năm 2020 thành lập mới 51 CĐCS, kết nạp mới 6.088 đoàn viên; năm 2021 thành lập mới 59 CĐCS, kết nạp mới 11.050 đoàn viên công đoàn (viết tắt là đoàn viên); năm 2022 thành lập mới 45 CĐCS, kết nạp mới được gần 10 nghìn đoàn viên. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 789 DN đã thành lập được TCCĐ với hơn 132 nghìn đoàn viên. Đến nay, toàn tỉnh có 115 DN đủ điều kiện để thành lập nhưng chưa thành lập được CĐCS. Việc các DN “né” thành lập CĐCS xảy ra ở nhiều loại hình DN như: Công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và DN tư nhân.
Công ty cổ phần may Châu Hưng đóng tại xã Dân Tiến (Khoái Châu) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2014. Qua tìm hiểu được biết, LĐLĐ huyện đã khảo sát, nắm bắt tình hình và nhận thấy DN thường xuyên có từ 70 đến 100 lao động làm việc, đủ điều kiện để thành lập CĐCS, mặc dù LĐLĐ huyện nhiều lần đến làm việc với lãnh đạo DN, đồng thời đã tham mưu chính quyền địa phương thành lập đoàn công tác liên ngành trực tiếp tới DN tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS. Tại buổi làm việc, lãnh đạo DN đưa ra nhiều lý do "trì hoãn" như: DN hoạt động không hiệu quả, người lao động thường xuyên biến động, kinh doanh nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình... sau nhiều lần hứa hẹn, đến cuối năm 2022, DN mới làm các thủ tục để thành lập TCCĐ.
Không có TCCĐ, quyền và lợi ích của NLĐ làm việc tại DN không bảo đảm nên thời gian qua, Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đ. A. S. (thị xã Mỹ Hào) liên tục đăng tin tuyển lao động. Từng làm bảo vệ tại công ty, anh Nguyễn Bá H., xã Lệ Xá (Tiên Lữ) và một số NLĐ bị DN giữ lại một phần lương, không trả đầy đủ theo thỏa thuận. Sau nhiều lần gặp đại diện DN để đòi quyền lợi nhưng không được trả phần lương doanh nghiệp nợ, anh và một số NLĐ đã phải nghỉ việc để đi tìm việc khác. Hay tại Công ty cổ phần thiết kế kiến trúc – nội thất – xây dựng AAA có một chi nhánh tại huyện Kim Động mới đây đã xảy ra tụ tập đông người do nợ lương một số NLĐ với tổng số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Anh H.V.Q – một NLĐ công ty cho biết: Có người đã bị nợ 4 – 5 tháng lương, trước Tết Nguyên đán, DN hứa trả toàn bộ lương nhưng chỉ trả được lương tháng Tết, sau đó lại tiếp tục nợ khiến đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn.
Qua tìm hiểu được biết, DN này chưa thành lập TCCĐ, khi xảy ra việc NLĐ tập trung đông người kiến nghị yêu cầu DN thanh toán tiền lương, LĐLĐ huyện Kim Động đã đến làm việc với đại diện DN và NLĐ, sau đó DN đã thanh toán lương trả NLĐ bị nợ lương với 1 tháng lương cơ bản, đại diện DN hứa sẽ trả tiếp cho NLĐ trong thời gian sớm nhất. Đến nay, NLĐ đã trở lại làm việc nhưng vẫn đang thấp thỏm chờ đợi việc DN thanh toán trả đầy đủ thu nhập cho NLĐ.
Nguyên nhân doanh nghiệp trì hoãn
Về khó khăn trong công tác thành lập CĐCS tại DN, nhiều lãnh đạo, cán bộ CĐ trong tỉnh cho biết: Một số chủ DN không gặp gỡ cán bộ CĐ; một số chủ DN đưa lý do hoạt động không ổn định, còn nhiều khó khăn, lao động biến động để trì hoãn. Nguyên nhân chủ yếu do chủ DN chưa hiểu về vai trò của TCCĐ, họ cho rằng việc tham gia các hoạt động CĐ sẽ làm mất thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất hoặc lấy lý do NLĐ không muốn tham gia CĐ nên không thể thành lập CĐCS. Đồng chí Chu Anh Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Khoái Châu cho biết: Có DN cho rằng, nếu gia nhập TCCĐ thì họ sẽ mất đi 2% lương mà không hiểu rằng, dù không thành lập TCCĐ, hằng tháng, DN vẫn phải có nghĩa vụ đóng 2% quỹ tiền lương cho TCCĐ để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ.
Đồng chí Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Ân Thi cho biết: Có DN khi cán bộ CĐ đến làm việc đã cho công nhân ra chọc thủng lốp xe của cán bộ CĐ nhằm mục đích để CĐ thấy khó mà nản, không đến tuyên truyền, vận động DN thành lập CĐCS. Đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, xây dựng lấy lý do lao động phụ thuộc vào đơn hàng, công trình nên thường biến động, không ổn định khiến việc thành lập CĐCS gặp khó khăn. Có những DN lại lấy lý do việc thành lập TCCĐ trên cơ sở tự nguyện, NLĐ không muốn tham gia CĐ nên “thờ ơ” với công tác này.

Sản xuất tại Công ty cổ phần may Việt Giang (Khoái Châu)
Đối với nhiều NLĐ mới chỉ quan tâm đến việc phải đóng đoàn phí CĐ mỗi tháng mà không nghĩ đến những lợi ích lâu dài TCCĐ mang lại. Vì thế có tình trạng NLĐ không tham gia CĐ hoặc sau thời gian tham gia TCCĐ đã xin ra dẫn đến tình trạng nhiều DN đã thành lập được CĐCS nhưng không phát huy được vai trò, không thu hút được NLĐ tham gia. Tại Công ty TNHH giày Ngọc Tề (chi nhánh huyện Tiên Lữ), số đoàn viên chiếm khoảng 40% trong tổng số gần 5 nghìn NLĐ đang làm việc. Chị Nguyễn Thị Tr. (Phù Cừ) đang làm việc tại doanh nghiệp này cho biết: Tôi không tham gia TCCĐ bởi bản thân không có thời gian tham gia các hoạt động CĐ tổ chức. Ngoài ra, hằng tháng phải trích đóng đoàn phí, trong khi thu nhập của tôi không cao, phải chắt chiu lắm mới bảo đảm cuộc sống.
Từ thực trạng trên cho thấy, vấn đề thiếu nhận thức, nhận thức chưa đầy đủ của cả chủ DN và NLĐ đang là “rào cản” lớn cho việc thành lập TCCĐ trong DN.