Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phân cấp, phân quyền
Sáng 11-7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố về công tác tư pháp tại chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Bích Thủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.

Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Bích Thủy chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: An Nhơn
Tại hội nghị, Bộ Tư pháp đã trao đổi, thảo luận nhằm ghi nhận kết quả cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Đến thời điểm này, việc phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đã được thực hiện bảo đảm các nguyên tắc được nêu tại Kết luận số 155-KL/TW ngày 17-5-2025, Kết luận số 137-KL/TW ngày 28-3-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Kết luận số 121-KL/TW ngày 24-1-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo đó, Bộ đã rà soát tổng số 67 văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả rà soát, có 34 nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến cấp huyện; 181 nhiệm vụ, thẩm quyền đang do các cơ quan trung ương thực hiện. Bộ Tư pháp đã tham mưu ban hành các nghị định và ban hành theo thẩm quyền 3 thông tư, trong đó có nội dung phân định lại thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (29 nhiệm vụ chuyển xuống cấp xã và 5 nhiệm vụ chuyển lên cấp tỉnh)...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đặt ra một số nhiệm vụ quan trọng và đề nghị Bộ, ngành Tư pháp và các địa phương quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Trong đó, Bộ Tư pháp chú trọng hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là cho đội ngũ công chức hộ tịch - tư pháp cấp xã; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác tư pháp nói chung, việc triển khai các nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp nói riêng để nắm bắt vướng mắc, khó khăn và có những điều chỉnh hoặc tham mưu ban hành các văn bản điều chỉnh kịp thời, hiệu quả.
Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, bố trí đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc với cấu hình, tính năng phù hợp, bảo đảm đường truyền internet tốc độ cao, thông suốt để triển khai nhiều thủ tục hành chính trực tuyến. Sở Tư pháp các tỉnh, thành cần rà soát, tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để phân cấp, thực hiện nhiệm vụ được phân cấp hoặc quy định về thủ tục hành chính.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: An Nhơn
Đặc biệt, Sở Tư pháp các tỉnh, thành cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp được xác định tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025-2030...