Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg, ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp đến năm 2030”, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tập trung tạo điều kiện cho CNLĐ được học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Nice Power Giao Thủy triển khai kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân lao động.
Nhằm hình thành thói quen tự học và tích cực học tập suốt đời trong CNLĐ, hàng năm Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và phối hợp với các cấp Công đoàn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc học tập; vận động đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; rà soát nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của người lao động; đề xuất với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động có chính sách, chế độ khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho CNLĐ tham gia học tập; tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Góp phần bảo đảm 100% người lao động được tiếp cận với thông tin về việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tuyên truyền thông qua tổ chức các hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và qua hệ thống loa truyền thanh tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Nội dung tuyên truyền về các kế hoạch, chương trình đào tạo cụ thể, phù hợp với nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Năm 2024 các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và các chương trình, đề án “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”, “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2030”. Các tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở (CĐCS) hàng năm đã tổ chức hàng trăm hội nghị; phát hành hơn 500 bộ tài liệu, hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng xã hội học tập, CNLĐ học tập suốt đời, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp. Ngoài ra, nhiều tổ chức CĐCS trong các doanh nghiệp tham mưu, phối hợp với Công đoàn cấp trên, đại diện doanh nghiệp lồng ghép công tác tuyên truyền các chuyên đề tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của CNLĐ trong các hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.
Để hình thành thói quen tự học và tích cực học tập suốt đời trong CNLĐ, ngoài việc đẩy mạnh các nội dung và hình thức tuyên truyền, các cấp Công đoàn trong tỉnh chú trọng công tác phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan như Hội Khuyến học tỉnh, các huyện, thành phố; các trung tâm đào tạo, trường dạy nghề xây dựng kế hoạch học tập suốt đời cho CNLĐ; thành lập Quỹ khuyến học tại các doanh nghiệp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho CNLĐ nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn. Trong những năm qua, Trường Trung cấp Công nghệ số 8 (thuộc LĐLĐ tỉnh) đã tổ chức gần 200 lớp học với hơn 3.000 học viên tham gia chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”; phối hợp với gần 30 doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nâng bậc cho khoảng 1.000 CNLĐ và đào tạo nghề cho hơn 500 lượt CNLĐ. Nhà trường phối hợp với các trường đại học, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo tại chức, liên thông các lớp đại học luật, kế toán, quản lý Nhà nước, quản trị kinh doanh cho gần 350 học viên. Cùng với các lớp đào tạo nghề, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức cho trên 85% CNLĐ tham gia các lớp nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những kiến thức chính trị cơ bản; trên 75% CNLĐ được trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân, kiến thức phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội; phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; trang bị các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình…
Ngoài ra, từ đầu năm 2025 đến nay LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho hàng nghìn lượt cán bộ tư vấn và hỗ trợ pháp lý Công đoàn khối các cơ quan Đảng tỉnh, UBND tỉnh, Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Nam Định, tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn các khu, cụm công nghiệp, lãnh đạo CĐCS các doanh nghiệp có đông CNLĐ và hàng nghìn lượt CNLĐ. Tại các hội nghị tập huấn, báo cáo viên đã truyền đạt những nội dung cơ bản về vai trò của Công đoàn trong tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động; những kiến thức pháp lý về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…; các kỹ năng tư vấn pháp lý cơ bản của cán bộ Công đoàn, hòa giải tranh chấp lao động, phối hợp với cơ quan chức năng và luật sư trong giải quyết các tình huống liên quan đến tiền lương và soạn thảo văn bản pháp lý… Đặc biệt, trong quá trình triển khai đề án học tập suốt đời trong CNLĐ, LĐLĐ tỉnh đã chủ động tham mưu với lãnh đạo tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tổ chức các hội nghị đối thoại cấp tỉnh với trên 1.000 lượt CNLĐ tham gia, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của người lao động… Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh khuyến khích CĐCS ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đổi mới các mô hình hoạt động và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời, hỗ trợ CNLĐ đến tham gia sinh hoạt và học tập.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn của đội ngũ CNLĐ ngày càng được nâng lên. Người lao động thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; lao động trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngày càng nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp. Công tác đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động đã qua đào tạo ngày càng tăng nhanh; công tác dạy nghề, chủ yếu về kỹ năng cho lao động vùng nông thôn được chú trọng. Hiện nay có trên 80% công nhân lao động có trình độ học vấn hết cấp 3, trên 87% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp được đào tạo nghề... góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Để tiếp tục hình thành thói quen tự học và tích cực học tập suốt đời trong CNLĐ, thời gian tới LĐLĐ tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; triển khai các biện pháp hỗ trợ CNLĐ được học tập thường xuyên; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập của CNLĐ; tích cực tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động tạo động lực thúc đẩy hoạt động học tập suốt đời cho CNLĐ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.