'Đây là Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé!'

'Đây là Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Sông Bé, phát đi từ thị xã Thủ Dầu Một trên làn sóng AM 970 KHz'. Câu xướng trầm hùng trong lời bài hát 'Mỗi bước ta đi' của nhạc sĩ Thuận Yến gần 50 năm qua đã trở nên thân thương, gần gũi với khán, thính giả trong và ngoài tỉnh Sông Bé cũ, nay là 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước.

Ngày 2-10-1977, Đài PT-TH Sông Bé chính thức ra đời, lúc đó chỉ là phát thanh với công suất nhỏ, chủ yếu phục vụ thính giả các huyện phía Nam của tỉnh như Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An, với 20 người vừa là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Địa bàn tỉnh rộng, các huyện phía Bắc lại là rừng núi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân luôn khó khăn, thiếu thốn... Thấy được đặc thù này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ luôn quan tâm đầu tư vật chất lẫn con người để dần mở rộng tầm phủ sóng phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Tuy vậy, do thời điểm này máy móc, thiết bị nhất là máy phát thanh còn cũ kỹ, lạc hậu dù công suất máy phát mỗi năm mỗi tăng nhưng vẫn không thể phủ sóng được trong phạm vi toàn tỉnh. Người dân các dân tộc phía Bắc tỉnh như: Đồng Phú, Bù Đăng, Phước Long, Bình Long vẫn còn hạn chế về thông tin, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thấy được bất cập này, được sự thống nhất chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Đài PT-TH Sông Bé lúc bấy giờ là ông Ngô Thanh Tuyền đã mở cuộc vận động quyên góp kinh phí từ các doanh nghiệp trong tỉnh, các huyện, thị xã cùng nguồn lực Nhà nước quyết tâm xây dựng Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá đặt trên đỉnh núi Bà Rá, huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long). Chủ trương thì trên dưới đồng lòng, nhưng để biến chủ trương thành hiện thực thì vô cùng khó khăn, nan giải.

Đỉnh núi Bà Rá trước ngày giải phóng quân đội ngụy đặt tại đây 1 trạm quan sát thông tin, chúng gọi là “mắt thần miền Đông” để theo dõi, giám sát mọi thông tin liên lạc của quân giải phóng. Để duy trì hoạt động của trạm này chúng dùng máy bay trực thăng vận chuyển lương thực, khí tài hằng ngày lên xuống từ Chi khu Phước Bình. Quanh núi toàn rừng rậm, để xây dựng trung tâm tiếp vận, Đài PT-TH Sông Bé phải tổ chức hàng chục lần lên núi khảo sát, làm đường, đem từng viên gạch, viên đá, bao xi măng lên để xây dựng cơ ngơi đặt thiết bị máy móc chuyên ngành. Khó khăn, vất vả, gian khổ là vậy nhưng với quyết tâm đội nắng, thắng mưa, liên tục gần 2 năm, Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá cũng hoàn thành và chính thức cắt băng khánh thành đúng vào ngày 18-12-1991. Từ đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các huyện phía Bắc của tỉnh có thể xem và nghe Đài PT-TH Sông Bé, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh; khoảng cách nông thôn và thành thị từng bước thu hẹp dần. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong mọi lĩnh vực được người dân nắm bắt một cách nhanh chóng và kịp thời để ứng dụng vào cuộc sống. Còn gì vui hơn, thú vị hơn là sau một ngày lao động mệt nhọc, tối về bên mâm cơm gia đình mở truyền hình lên xem các chương trình thời sự, giải trí, để khuây khỏa đầu óc, mở mang thêm kiến thức!

Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá thực sự là công trình của ý Đảng - lòng dân, công trình ý nghĩa nhất trong lĩnh vực văn hóa thời điểm ấy. Hoạt động PT-TH của Đài PT-TH Sông Bé cứ thế phát triển, ngoài lĩnh vực phát thanh, sự nghiệp truyền hình cũng bắt đầu được lãnh đạo quan tâm đầu tư. Năm 1992, cũng từ Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá, các chương trình truyền hình của Đài PT-TH Sông Bé chính thức được phát sóng, phát đi từ đỉnh cao Bà Rá. Cũng từ nhạc hiệu hào hùng: “Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa, vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng”.

Đến ngày 1-1-1997, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Sông Bé được tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, ra đời Đài PT-TH Bình Dương và Đài PT-TH Bình Phước. Thuở ban đầu chia tách, Đài PT-TH Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động chuyên môn. Riêng Đài PT-TH Bình Phước thì gặp vô vàn khó khăn, từ cơ sở vật chất đến nhân sự. Ngày về Đồng Xoài, cơ quan không có trụ sở làm việc, phải thuê rải rác khắp nơi, mỗi nhà là một bộ phận. Máy móc thiết bị chuyên ngành thì cũ kỹ, lạc hậu, lực lượng phóng viên, biên tập viên thiếu và yếu. Thế nhưng, với nỗ lực và quyết tâm cao, ngay ngày chia tách tỉnh 1-1-1997, truyền hình Bình Phước vẫn phát sóng chương trình đầu tiên một cách “chững chạc và nghiêm túc”, như chưa hề có cuộc chia tay. Giờ đây, sau hơn 27 năm chia tách, Đài PT-TH Bình Dương và Đài PT-TH Bình Phước (nay là Đài PT-TH và Báo Bình Phước) đã không ngừng lớn mạnh, có chỗ đứng vững vàng trong lòng khán, thính giả không những trong tỉnh mà còn lan tỏa trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Đặc biệt, vẫn coi nhau như anh em một nhà, cùng thực hiện chung nhiệm vụ chính trị cao cả, là cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân của Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh.

Ban Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước và lãnh đạo Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001

Ban Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước và lãnh đạo Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001

Thời gian cứ thế lặng trôi, Đài PT-TH Bình Dương, Đài PT-TH và Báo Bình Phước đã từng bước khẳng định được vị thế của mình. Mặc dù mỗi đơn vị có thế mạnh và đặc thù riêng nhưng để có những thành quả như hôm nay, mỗi người đều không thể quên được các thế hệ cha anh đi “mở đường” ngày trước, những người lính tiên phong đã đặt những viên gạch đầu tiên hình thành nên sự nghiệp PT-TH ở tỉnh Sông Bé. Những cái tên như: Lê Tấn Cương, Đặng Kiên Định, Ngô Thanh Tuyền, Nguyễn Trung Hiếu, Đỗ Toàn Trung, đặc biệt là 2 ông Ngô Thanh Tuyền (Út Tuyền) và Nguyễn Trung Hiếu (Bảy Hiếu) là những người có công rất lớn, xông pha đi đầu trong cuộc vận động tiền của, công sức để xây dựng Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá, đưa ánh sáng văn hóa đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bây giờ, mặc dù họ đã đi xa, đi về với thế giới người hiền, nhưng chính họ là những người có công rất lớn trong sự nghiệp PT-TH của tỉnh Sông Bé trước đây, nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Hòa trong xu thế hội nhập của cả nước và thế giới, kinh tế 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước có bước phát triển không ngừng, nhất là tỉnh Bình Dương. Góp phần vào thành quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của những người làm công tác PT-TH 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Họ như những con ong hằng ngày cần mẫn, siêng năng, luôn tạo mật ngọt cho đời, đem ánh sáng văn hóa đến với mọi người, mọi nhà sau những ngày lao động mệt mỏi. Tuổi trẻ hôm nay vững vàng chèo lái đưa ngành PT-TH ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó.

Minh Hoàng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/157966/day-la-dai-phat-thanh-truyen-hinh-song-be