Dạy học trực tuyến: Giáo viên 'vừa chạy vừa xếp hàng'
Dù năm học 2021-2022 là năm thứ 3 các trường học chịu ảnh hưởng COVID-19 buộc phải dạy học trực tuyến, nhưng nhiều nơi trình độ công nghệ thông tin (CNTT) của giáo viên chưa đáp ứng. Các chuyên gia cho rằng, ngành giáo dục vẫn bị động, đẩy giáo viên vào tình thế 'vừa chạy vừa xếp hàng'.
Bộ GD&ĐT đánh giá, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong dạy học trực tuyến Ảnh: Mạnh Thắng
Sau 1 tuần dạy học trực tuyến các cấp, tỉnh Cà Mau đã khẩn cấp dừng dạy học phương thức này đối với học sinh tiểu học. Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc dạy học trực tuyến không hiệu quả là trình độ CNTT của số ít giáo viên còn yếu, sử dụng phần mềm hỗ trợ chưa thạo, chưa quen với thao tác dạy online.
Đầu năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT thừa nhận thực tế, giáo viên gặp khó khăn khi ứng dụng CNTT dạy học trực tuyến; nhiều người bê nguyên bài giảng trực tiếp vào dạy theo phương thức mới,cùng với sự hạn chế của đường truyền, thiếu thiết bị, học sinh không tập trung dẫn đến chất lượng học online không hiệu quả.
Cô Phạm Mai Hương, giáo viên dạy lớp 2, Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội),nói rằng, hạn chế của dạy học trực tuyến là giáo viên không nắm bắt được hết học sinh có tập trung học hay không, do đó phải thiết kế bài học tăng tính tương tác để khích lệ các em. Với học sinh nhỏ tuổi, bài dạy trực tuyến cần được thiết kế sinh động, hấp dẫn, nếu không trẻ rất dễ chán.
Nhiều nơi, giáo viên bị động
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết, để dạy học trực tuyến, nhà trường phải tự tập huấn, nâng cao trình độ CNTT cho giáo viên. Trường có chuyên gia, giáo viên giỏi CNTT để tập huấn từ năm ngoái, tổ chức các giờ thao giảng để góp ý lẫn nhau. Giáo viên được hướng dẫn tỉ mỉ từng ứng dụng, cách làm video, dựng bài dạy trắc nghiệm…“Để dạy trực tuyến, giáo viên cần được tập huấn cụ thể về mặt phương pháp, kỹ thuật không thể nói một cách chung chung. Giáo viên không cần nói nhiều, phải tăng câu đố, trò chơi, bài trắc nghiệm, tăng tương tác, khích lệ, tôn trọng học sinh mới gây hứng thú cho các em học tập”, ông nói.
Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị sẽ triển khai một số nội dung hỗ trợ dạy học trực tuyến, trong đó có việc xây dựng cẩm nang dạy học.Đồng thời sẽ tập huấn riêng cho giáo viên về xây dựng bài giảng, ứng dụng CNTT, áp dụng các phương pháp dạy học, đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến…
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT, nhận định, hiện nay, nhiều giáo viên vừa dạy vừa học hỏi lẫn nhau nên không bài bản, không dựa trên khung năng lực dạy học công nghệ kỹ thuật số cụ thể nào nên mạnh ai nấy dạy.
“Cách làm như hiện nay cho thấy giáo viên đang vừa xếp hàng vừa chạy, bị động sẽ khó đạt được hiệu quả dạy học. Do đó, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành cẩm nang hướng dẫn dạy trực tuyến. Các trường học cũng cần chia sẻ kinh nghiệm để lan tỏa phương pháp, kỹ thuật dạy học “cơm chấm cơm” tuy phương thức này hiệu quả không cao”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, ở khối ĐH, các trường có sự chủ động, giảng viên nhanh chóng cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng, trong khi ở khối phổ thông, giáo viên rơi vào thế bị động nhiều hơn. Theo ông, Bộ GD&ĐT cũng chủ quan, thiếu chiến lược lâu dài để trang bị, tập huấn cụ thể, kỹ càng cho giáo viên; Bộ nên nghiên cứu cụ thể, đánh giá lại từng yếu tố tác động để có quyết định triển khai sao cho hiệu quả nhất.