Dạy con tiêu tiền hợp lý

Có nên cho con tiêu tiền từ sớm, hay dạy con tiêu tiền như thế nào cho hợp lý là vấn đề mà không ít phụ huynh ngày nay băn khoăn.

Dạy càng sớm, trẻ càng hiểu vấn đề

Gia đình chị Thu Hoài (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) có một cháu nhỏ học lớp 2. Vợ chồng chị có một quy định: mỗi lần cháu được 10 điểm hay làm việc tốt sẽ được cha mẹ tặng cho biểu tượng mặt cười. Ngược lại, khi cháu bị điểm thấp hoặc không ngoan sẽ là mặt khóc.

“Những khuôn mặt này sẽ được gắn lên một chiếc bảng treo trên tường. Hàng tuần, vợ chồng tôi sẽ tổng kết, nếu khuôn mặt cười nhiều hơn thì cháu sẽ được thưởng quà hoặc 50.000 đồng. Còn nếu khuôn mặt khóc nhiều hơn thì sẽ không được thưởng gì cả. Số tiền này vợ chồng tôi để cháu tự quyết định, có thể cho vào ống tiết kiệm hoặc để dành mua quà sinh nhật cho bạn bè”, chị Thu Hoài kể.

Dạy con tài chính, bộ sách thiếu nhi đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia 2021

Dạy con tài chính, bộ sách thiếu nhi đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia 2021

Mục đích của vợ chồng chị là muốn khích lệ con trong việc học cũng như để cháu biết làm những công việc có ích. Tuy nhiên, trong một lần tới nhà chơi, khi biết quy định này, một người bạn của anh chị đã phản đối kịch liệt. Chị Hoài cho biết: “Người bạn ấy cho rằng, cho con tiếp xúc với tiền từ sớm không tốt, khiến con có nguy cơ trở thành người thực dụng sau này. Nghe xong, vợ chồng tôi thực sự hoang mang, không rõ việc làm của mình đang giúp con hay vô tình hại con?”.

Khác với chị Thu Hoài, chị Thanh Liên (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thường dùng tiền để trả cho con mỗi lần con phụ việc nhà. Tùy theo tính chất công việc, chị Liên sẽ trả cho con 10.000 đồng hay 20.000 đồng mỗi tuần. Số tiền này được bé dùng làm sinh hoạt phí hàng ngày, có thể mua kem, bánh kẹo hay những vật dụng mà bé thấy cần thiết, không cần đến tiền của bố mẹ. “Nhưng khi biết chuyện này, ông bà nội bé liền la vợ chồng tôi một trận, cho rằng bé còn nhỏ, không nên cho bé tiêu tiền, dễ sinh hư!”, chị Thanh Liêm kể.

Là tác giả chuyên viết sách kỹ năng dành cho trẻ nhỏ, trong đó có kỹ năng quản lý tài chính, theo tác giả Ngô Thị Thanh Tiên, cái gì càng dạy sớm thì trẻ sẽ càng nhanh hiểu vấn đề đó, càng dạy trẻ sớm về cách tiêu tiền trẻ sẽ không trở thành người thực dụng sau này. “Nếu trẻ hiểu không đúng về tiền, không đúng về những giá trị do tiền mang lại thì sau này khi lớn hơn, trẻ sẽ rất khó trưởng thành về tài chính được. Lúc đó, trẻ sẽ phải tốn rất nhiều công sức để học tập nhằm thay đổi tư duy”, chị Thanh Tiên nói thêm.

“Có một chuyên gia về tài chính từng nói rằng: Nếu bạn không dạy con bạn về tiền sẽ có người khác dạy. Người đó có thể là cảnh sát hay một người cho vay nặng lãi. Nếu cha mẹ không muốn con mình gặp những chuyện như vậy trong tương lai thì nên dạy cho con về tài chính, và lúc con từ 3 tuổi là có thể dạy được rồi”, tác giả Ngô Thị Thanh Tiên chia sẻ.

Không nên trả tiền để con làm việc nhà

Theo TS tâm lý Lê Thị Linh Trang, vấn đề về tiền hay bất cứ thứ gì cũng vậy, nếu dạy trẻ từ nhỏ thì trẻ sẽ có định hướng hơn là để trẻ phát triển một cách tự phát và mù quáng. Vì phát triển tự phát nên sẽ có 2 chiều hướng sai lệch: trẻ sẽ trở nên khôn lỏi, thậm chí là gian và tham để lấy được tiền. Hai là ngố ơi là ngố!... Việc dạy các bé những kỹ năng tài chính trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng. Cha mẹ cần giải thích cho các con về giá trị của đồng tiền cũng như sử dụng tiền đúng cách từ sớm, từ đó giúp con có thái độ đúng đắn về tiền bạc, có tính kỷ luật khi chi tiêu, sống có trách nhiệm và biết chia sẻ với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Mặc dù khuyến khích cha mẹ dạy con sớm về cách tiêu tiền, nhưng theo chị Ngô Thị Thanh Tiên, không nên trả tiền cho những việc con làm ở nhà vì đó là trách nhiệm của tất cả thành viên trong gia đình, không phải là nơi để kiếm tiền. Có thể trong một vài trường hợp đặc biệt, như việc nhà hôm đó là phân công của cha mẹ nhưng vì có công việc đột xuất, cha mẹ có thể trả một khoản phí, xem như để thuê con làm phần việc của mình. Còn việc nhà hàng ngày, phải dạy cho con biết đó là trách nhiệm của con, phải chia sẻ với cha mẹ.

Cũng theo chị Thanh Tiên, việc dùng tiền “dụ” con làm việc nhà có thể dẫn đến một trường hợp: nếu hôm đó con có tiền, khi cha mẹ giao việc nhà cho con, vì không cần tiền nữa nên con sẽ từ chối làm việc nhà. Từ đó, chị Thanh Tiên lưu ý: “Cha mẹ cần dạy con rằng việc nhà là tất cả các thành viên đều phải chia sẻ, để con vừa có trách nhiệm với gia đình vừa có trách nhiệm với bản thân con. Đó cũng là cách để con học được những kỹ năng xử lý tình huống cho những việc xảy ra hàng ngày đối với con”.

TRỌNG THÀNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/day-con-tieu-tien-hop-ly-post714770.html