Đầu tư trọng điểm, tạo cú hích giảm nghèo hiệu quả

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang bước vào giai đoạn nước rút. Năm nay, các sở, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, có tính bền vững, tạo sức bật nhằm hoàn thành mục tiêu kết thúc giai đoạn tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (hiện nay là 1,73%).

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh 368,9 tỷ đồng. Cùng với nguồn hỗ trợ trên, tỉnh và các huyện bố trí kinh phí bổ sung, Nhân dân các địa phương phát huy nội lực, tự lực vươn lên thoát nghèo.

 Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã An Bá - Tuấn Đạo (Sơn Động) đang được thi công.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã An Bá - Tuấn Đạo (Sơn Động) đang được thi công.

Sau gần 5 năm thực hiện, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,73% (từ 24.639 hộ năm 2021 giảm còn 8.310 hộ). Riêng huyện Sơn Động, tỷ lệ hộ nghèo từ 25,8% (5.350 hộ) năm 2021 giảm còn 10,26% (2.176 hộ), huyện không còn hộ nghèo là người có công.

Phát huy kết quả đạt được, năm nay, tỉnh đặt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%. Thời điểm này, Trung ương phân bổ cho tỉnh 138 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã phân bổ xong vốn đợt 1 với 67,3 tỷ đồng (ngân sách trung ương 50,3 tỷ đồng; còn lại là ngân sách tỉnh).

Năm 2025, Bắc Giang được Trung ương phân bổ 138 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỉnh đã phân bổ vốn đợt 1 với 67,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 50,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh.

Theo đồng chí Hoàng Văn Vỹ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường), để đầu tư tập trung, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, trùng đối tượng, địa bàn thụ hưởng, năm nay, ngành chức năng tham mưu cho tỉnh xác định các dự án đầu tư phải đáp ứng tiêu chí có lợi ích lâu dài, bền vững. Trọng tâm là đầu tư cho công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, liên vùng; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Đây là những yếu tố quyết định giúp người dân ổn định đời sống, tự lực vươn lên, gia tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Cụ thể, trong lĩnh vực việc làm, tỉnh tập trung đầu tư cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến; xây dựng cơ sở vật chất phát triển giáo dục nghề nghiệp ở vùng khó khăn. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo tại huyện Sơn Động.

Phấn đấu về đích đúng hẹn

Hiện nay, các chủ đầu tư đang tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được phê duyệt. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, quá trình thực hiện, các đơn vị còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do thời điểm này các địa phương đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy dẫn đến sự thay đổi các cơ quan chủ trì thực hiện chương trình. Ngoài ra, nhiều công trình gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Động được phân bổ hơn 370 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng 9 dự án phát triển hạ tầng giao thông, y tế; duy tu, sửa chữa 44 công trình đường liên thôn; sửa chữa trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương và hàng chục công trình, dự án quan trọng khác. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong năm 2024 đã giảm sâu song số hộ nghèo vẫn còn nhiều nhất tỉnh.

Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, tại các cuộc giao ban tuần, tháng, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên thường xuyên báo cáo tiến độ, những vướng mắc phát sinh và dự kiến thời gian hoàn thành. Ngay sau khi có chủ trương tổ chức chính quyền hai cấp (gồm tỉnh, xã), Sơn Động đã dừng thi công 2 công trình xây dựng trạm y tế tại xã Thanh Luận và Hữu Sản; các công trình còn lại đang tăng tốc thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/5/2025.

Thực hiện dự án hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong giai đoạn 2023-2025 (với kinh phí hơn 10 tỷ đồng), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tích cực chỉ đạo đơn vị trúng thầu tập trung cao nhân lực tổ chức xây dựng cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị, đào tạo chuyển giao công nghệ... Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết, đến nay, các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành, đơn vị đang hoàn tất thủ tục để giải ngân trong tháng 4.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang bước vào giai đoạn nước rút. Kinh nghiệm từ các địa phương làm tốt cho thấy, để giảm nghèo thành công cần có quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và ý thức tự lực vươn lên của chính người dân. Cùng đó, tăng cường xã hội hóa, trợ giúp người nghèo tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, trọng tâm là việc làm, nhà ở, hạ tầng kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn trong các tháng tiếp theo, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các thủ tục đầu tư, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan, bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công năm 2025. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng và các đơn vị thi công đang nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn về điện, môi trường, giao thông...

Ví như tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), quá trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã An Bá - Tuấn Đạo gặp vướng mắc do một số hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Trực tiếp lãnh đạo UBND xã đã đến từng hộ liên quan kiên trì tuyên truyền, vận động các gia đình đồng thuận. Qua đó giúp đơn vị thi công bảo đảm thời gian thực hiện dự án.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh tập trung thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận, sử dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi về tín dụng, giáo dục, đào tạo, y tế,... Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục những thiếu sót trong thực hiện các dự án giảm nghèo. Quan tâm biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dau-tu-trong-diem-tao-cu-hich-giam-ngheo-hieu-qua-postid416101.bbg