Đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mới theo hướng độc đáo
Ngày 23-6, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, làm việc với Sở Du lịch và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, thời gian qua, Sở luôn tích cực tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội và chủ động ban hành các hệ thống văn bản, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.
Năm 2022, với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2021. Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Mai Anh cũng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Trung tâm đã tổ chức Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” được tổ chức từ ngày 23 đến 26-3 tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Lễ hội đã thu hút trên 50.000 lượt khách tham quan và mua sắm các sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cũng tổ chức gian hàng của thành phố Hà Nội tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023. Gian hàng của thành phố Hà Nội với chủ đề “Huyền tích Thăng Long- Ngàn năm di sản” giới thiệu tới du khách mô hình Khuê Văn các- biểu tượng văn hóa của Thủ đô, một số tuyến điểm du lịch văn hóa nổi bật kết nối Trung tâm Hà Nội- Thành Cổ Loa, Bát Tràng, đền Phù Đổng, đền Gióng Sóc Sơn, chùa Hương, Sơn Tây, Ba Vì, chùa Thầy cùng một số sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật như show "Tinh hoa Bắc Bộ", bảo tàng gốm Bát Tràng, thu hút trên 10.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu.
Tại buổi làm việc, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, các quy định hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến quảng bá du lịch của thành phố còn hạn chế; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Vì thế, cần đổi mới hơn nữa công tác này trên các nền tảng số; số hóa dữ liệu du lịch, xây dựng các app để tăng tính tương tác.
Thời gian tới, các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm khắc phục hạn chế, có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc phục hồi du lịch; đổi mới mới hơn nữa, có sản phẩm du lịch mới theo hướng độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, để khai thác hết tiềm năng du lịch của thành phố - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.